Tổng quan Đề án 2443

(NTO) Ngày 25-12-2017, Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định số 2443/QĐ-UBND ban hành Đề án về Đề cao trách nhiệm và từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hình thành thói quen về ý thức chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật trong xã hội; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.

Mục tiêu cụ thể là: Bảo đảm 100% đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, địa phương về tổ chức, phổ biến, thông tin rộng rãi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến công việc, đời sống đã được phát hành đều được mọi đối tượng tiếp cận, có điều kiện hiểu biết và thi hành. Phấn đấu từ 90%-100% các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, bắt buộc cho cán bộ, công chức, viên chức có nội dung phổ biến, cập nhật thông tin về chính sách pháp luật mới ban hành được tổ chức định kỳ hàng năm theo quy định của pháp luật. Phấn đấu 100% các nhà trường đều triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, có giáo viên, giảng viên dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật theo quy định. Phấn đấu từ 70% - 90% đối tượng đặc thù được phổ biến, giáo dục pháp luật riêng biệt theo quy định của pháp luật. Bảo đảm triển khai sâu rộng, toàn diện, đồng bộ các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; kiện toàn, xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm mới hiệu quả. Khuyến khích, huy động mọi nguồn lực tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đề án bao gồm ba nhóm hoạt động chủ yếu là:

Thứ nhất, hoạt động tạo môi trường hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật, gồm có:

- Môi trường gia đình: Từng bước hình thành thói quen học tập, tìm hiểu, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật trong từng thành viên của mỗi gia đình; góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư. Phấn đấu từ 70-100% hộ gia đình thực hiện tốt hương ước, quy ước, đạt danh hiệu “gia đinh văn hóa”.

- Môi trường công sở: Dần hình thành thói quen theo phương pháp “có tổ chức, kỷ luật, kỷ cương” để nâng cao ý thức, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Phấn đấu từ 90% -100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đăng ký thực hiện.

- Môi trường trong các trường học: Hiệu trưởng các trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung môn học giáo dục công dân theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mỗi trường học phải xây dựng chương trình học tập về pháp luật (bao gồm chính khóa và ngoại khóa) để bảo đảm học sinh, sinh viên đều có điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật cần thiết trong quá trình xây dựng trường, lớp, học sinh gương mẫu.

Bảo đảm nâng cao ý thức gương mẫu học tập, tự giác tuân thủ chấp hành pháp luật của các thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên. Phấn đấu 100% các nhà trường đều đăng ký triển khai.

- Môi trường công cộng: Ban quản lý các cơ sở công trình công cộng (bến xe, nhà ga, chợ, công viên, bệnh viện, trung tâm vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao…) sử dụng, khai thác tối đa các phương tiện nghe, nhìn để chủ động đưa thông tin tìm hiểu, học tập, tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật cho các đối tượng.

Nhằm tăng cường ý thức chấp hành pháp luật cho các đối tượng có thời gian tại các khu vực công cộng phù hợp với khả năng quản lý của cơ sở. Phấn đấu từ 90%-100% các cơ sở công trình công cộng có thiết chế nghe, nhìn phù hợp để thực hiện.

- Các loại mô hình khác: Để bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, giới tính, vùng miền; người đứng đầu địa phương, tổ chức rà soát, xác định các mô hình là điển hình tốt trong việc chủ động học tập; tự giác tuân thủ chấp hành pháp luật trong thời gian qua để từ đó đề ra chương trình, giải pháp, mục tiêu cụ thể phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả, hình thành thói quen chủ động học tập; tự giác tuân thủ chấp hành pháp luật. Tiếp tục duy trì, phát huy và phát triển mô hình liên tịch phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đã thực hiện trong những năm qua; tổ chức nhiều hoạt động phù hợp để thượng tôn pháp luật theo tinh thần “Ngày pháp luật Việt Nam”.

Thông qua đó nâng cao hiệu quả mô hình đã xây dựng; xác định những mô hình mới để nhân rộng. Phấn đấu từ 70%-90% đối tượng đặc thù được phổ biến, giáo dục pháp luật riêng biệt theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền được ban hành bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; nâng cao hiệu quả định hướng hành vi đúng cho mọi người. Phấn đấu không để xảy ra vi phạm về nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm thực hiện đúng, đủ chỉ tiêu về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật định kỳ; hằng năm và đột xuất; tạo sự lan tỏa hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật trong mọi đối tượng; bảo đảm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa ở đơn vị, địa phương; thiết thực góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghiã của Nhân dân do Nhân dân vì Nhân dân.

Thứ ba, là hoạt động nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, bao gồm:

- Tăng cường các biện pháp xây dựng “xã hội học tập”; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009; Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; bảo đảm thi hành đúng, đủ nội dung Quyết định số 45/2011/QĐ-UBND ngày 14-9-2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

- Đẩy mạnh thực hiện quy chế làm việc của công sở; quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư: Người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Bảo đảm việc triển khai thực hiện quy chế là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hằng năm. Người đứng đầu các tổ chức cơ sở ở địa phương (như trưởng thôn, trưởng ban quản lý khu phố…) có trách nhiệm báo cáo UBND cấp xã trong việc tổ chức thực hiện quy ước, hương ước.