Hiệu quả từ các mô hình tự quản an ninh trật tự

(NTO) Trong những năm qua, công tác xây dựng các mô hình quần chúng tự quản về an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm thực hiện. Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) tỉnh, các mô hình đã làm cầu nối giữa người dân với Công an và làm tốt công tác giáo dục pháp luật, huy động được vai trò tham gia của nhân dân trong phong trào TDBVANTQ.

Theo phòng Xây dựng phong trào TDBVANTQ (PV 28- Công an tỉnh), tính từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 2.596 Tổ nhân dân tự quản với 4.425 thành viên, 20 đội dân phòng, với 373 thành viên, 76 tổ AN xung kích với 612 thành viên và 113 tộc họ tự quản về ANTT. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết mô hình Tổ nhân dân tự quản duy trì tốt hoạt động ở một số địa phương như phường Mỹ Bình, Mỹ Đông (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), xã Phước Hữu, Phước Hậu (Ninh Phước), xã Phước Ninh, Phước Nam, Phước Minh (Thuận Nam), xã Phước Thắng (Bác Ái). Về hiệu quả công tác Đội dân phòng, đa số đều được đánh giá cao, điển hình như Đội các xã Tri Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải (Ninh Hải), Cà Ná (Thuận Nam). Đối với Tổ AN xung kích, đã thực hiện tuần tra kiểm soát, phát hiện nhiều vụ việc và đối tượng vi phạm giao cho lực lượng Công an xử lý, điển hình như Tổ AN xung kích tại xã Phước Thuận, An Hải, Phước Sơn (Ninh Phước), xã Quảng Sơn (Ninh Sơn). Riêng mô hình tộc họ tự quản về ANTT, được tổ chức nhân rộng từ năm 2010, ban đầu chủ yếu là các tộc họ người Chăm, hiện nay đã xây dựng thêm tộc họ người Raglai và đang xây dựng tộc họ người Kinh (xã Phước Thuận).

Công an huyện Ninh Sơn phối hợp với xã Quảng Sơn thực hiện tốt mô hình
Xứ đạo bình yên thông qua hoạt động tiếng kẻng an ninh. Ảnh: Lê Thi

Sau Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao vai trò của các mô hình quần chúng tự quản về ANTT do UBND tỉnh tổ chức vào gần giữa tháng 5, chúng tôi đã về các địa phương tìm hiểu. Tại phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), qua trao đổi, đồng chí Nguyễn Ngọc Ẩn, Bí thư Đảng ủy phường cho biết: “Phước Mỹ có 93 Tổ tự quản về ANTT, ngoài ra còn có mô hình Tổ tuần tra nhân dân xây dựng điểm tại khu phố 6, đã phát huy tác dụng rất lớn trong việc huy động người dân tham gia tích cực vào phong trào TDBVANTQ”. Hầu hết các địa phương dựa trên tình hình thực tế để xây dựng mô hình phù hợp, chẳng hạn mô hình “Tiếng kẻng an ninh” được xây dựng tại các phường Đông Hải, Phủ Hà, Mỹ Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); các xã Bắc Phong, Công Hải (Thuận Bắc). Bà Lê Thị Hồng, Trưởng Ban Quản lý khu phố 3, phường Phủ Hà, là người được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong TDBVANTQ năm 2017, chia sẻ: “Từ khi xây dựng mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, đã tạo sự chuyển biến không nhỏ về tình hình ANTT tại khu phố, người dân đã đoàn kết, tham gia bắt 8 đối tượng trộm cắp, 2 đối tượng cướp giật”.

Ngoài những mô hình trên, còn có nhiều mô hình khác nhau của các hội, đoàn thể xây dựng, đơn cử Hội Phụ nữ có các mô hình: CLB phòng, chống tệ nạn mại dâm; CLB không có chồng, con mắc tệ nạn xã hội; CLB PN phòng, chống bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy… Đoàn Thanh niên (TN) có các mô hình: Đội TN xung kích phòng, chống tội phạm; Đội TN xung kích hướng dẫn giao thông; công trình “Thắp sáng đường quê”…Nhìn chung, đa số mô hình quần chúng tự quản về ANTT đã góp phần hạn chế các hoạt động vi phạm pháp luật, nhất là tệ trộm cắp, đua xe lạng lách, đánh nhau gây rối trật tự, cờ bạc. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, có không ít mô hình tự quản chỉ duy trì mang tính hình thức. Qua khảo sát của Phòng PV 28, hiện nay chỉ có một số địa phương duy trì tốt Tổ nhân dân tự quản; vẫn có trường hợp đội dân phòng hoạt động cầm chừng; nhiều tổ AN xung kích còn gặp khó khăn về kinh phí; các tộc họ tự quản còn thiếu sự quan tâm, hướng dẫn của chính quyền địa phương. Có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình quần chúng tự quản nói chung và Tổ nhân dân tự quản nói riêng.

Dù còn mặt hạn chế trên, nhưng theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ tỉnh, thực tế hoạt động cho thấy hiệu quả và sự cần thiết của các mô hình quần chúng tự quản về ANTT trong tuyên truyền phổ biến pháp luật, phát động phong trào toàn dân phòng chống tội phạm. Cùng nhận định này, đồng chí Lưu Nào, Phó Chủ tịch Ủy ban UBMTTQ Việt Nam tỉnh nói rõ: “Trong xây dựng nông thôn mới, các Tổ nhân dân tự quản đã có đóng góp quan trọng. Vì vậy, cần phải phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, sự hướng dẫn, giúp đỡ hoạt động của công an, MTTQ đối với mô hình quần chúng tự quản về ANTT”.

Để các mô hình này hoạt động tốt, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục khảo sát, giải thể các mô hình không phù hợp và nhân rộng các mô hình ANTT hiệu quả. Đặc biệt là nhằm đẩy mạnh phong trào TDBVANTQ, các địa phương tiếp tục nghiên cứu phát triển các mô hình tự quản về ANTT hiệu quả, có giải pháp khuyến khích nhân rộng mô hình tộc họ tự quản về ANTT và mô hình xứ đạo bình yên.