Ninh Phước đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông

(NTO) Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), nhưng từ đầu năm đến nay tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn huyện Ninh Phước vẫn không giảm. Số vụ, số người chết và bị thương đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Trong thời gian tới, nếu không có giải pháp đột phá và đúng trọng tâm, thì các chỉ tiêu đảm bảo ATGT của địa phương khó có thể hoàn thành theo đúng như kế hoạch đề ra.

Theo Ban ATGT huyện Ninh Phước, từ đầu năm đến nay địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho hàng ngàn học sinh và người dân; cấp phát nhiều tờ rơi, cẩm nang phòng chống TNGT và những điều cần biết về biển báo giao thông đường bộ, kỹ năng an toàn cho học sinh... Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã tổ chức 145 ca tuần tra kiểm soát, phát hiện lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 260 trường hợp, với số tiền hơn 210 triệu đồng, tạm giữ 189 phương tiện và tước giấy phép lái xe 6 trường hợp. Các lực lượng chức năng cũng đã phối hợp đảm bảo TTATGT và hướng dẫn giao thông tại các khu vực đông người, thường xảy ra TNGT, hướng dẫn học sinh qua đường đảm bảo ATGT; thực hiện tuyên truyền, vận động và cho ký cam kết đối với 54 đối tượng thường sử dụng xe độ chế, chạy càn quấy gây mất ATGT. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức duy tu, sửa chữa các tuyến đường tại 16 vị trí với chiều dài  2,4 km; vận động các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tại một số tuyến đường theo hình thức xã hội hóa.

Điểm đen trên QL1A đoạn qua thị trấn Phước Dân cần sớm được xử lý.

Theo số liệu của Ban ATGT huyện Ninh Phước, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra 15 vụ TNGT, làm chết 6 người, bị thương 13 người, thiệt hại 73,5 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2017, tăng 5 vụ, 4 người chết, 2 người bị thương. Trong đó có 2 vụ TNGT đường sắt, 13 vụ tai nạn và va chạm giao thông đường bộ. Nguyên nhân xảy ra TNGT chủ yếu vẫn do người điều khiển phương tiện vượt xe, qua đường thiếu chú ý quan sát, chuyển hướng không đúng quy định, đi ngược chiều, đi không đúng phần đường, làn đường…

Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước - Phó Trưởng Ban ATGT huyện cho rằng: Nguyên nhân gia tăng các vụ TNGT trên địa bàn thời gian qua là do việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, ý thức về TTATGT của một bộ phận người dân chưa cao, dẫn đến vi phạm các quy định về TTATGT cũng như có nguy cơ xảy ra TNGT. Mặt khác, do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan chức năng và các địa phương chưa đổi mới về phương thức, biện pháp phù hợp với đối tượng và địa bàn cụ thể. Sự tham gia phối hợp của một số ngành, đoàn thể chưa đồng bộ, thường xuyên, liên tục, từ đó chưa tác động mạnh mẽ đến ý thức chấp hành TTATGT trong nhân dân.

Qua buổi làm việc với Ban ATGT tỉnh, địa phương cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để đầu tư hệ thống chiếu sáng đèn trên Quốc lộ 1A, đoạn từ Km 1563 đến Km1565 + 400 và từ Km1566 + 800 đến Km 1568 (tiếp giáp với huyện Thuận Nam đến thị trấn Phước Dân). Do không có hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm, nên trên đoạn đường này thường xảy ra TNGT nghiêm trọng. Cụ thể từ đầu năm đến nay đã xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 4 người và 3 người bị thương. Mặt khác, địa phương cũng kiến nghị xem xét di dời cột đèn tín hiệu tại Ngã ba Phú Quý (đọan trước đường vào chùa Long Quý) để hạn chế người dân đi ngược chiều. Ngoài ra, địa phương cũng kiến nghị Công an tỉnh cần tăng cường công tác phối hợp với Công an huyện để tuần tra kiểm soát trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện, nhằm hạn chế tình hình TNGT, bởi đây là tuyến đường được phân cấp do cấp tỉnh tuần tra xử lý.

Nhằm đảm bảo TTATGT trên địa bàn trong thời gian tới, huyện Ninh Phước tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, các cơ quan, đơn vị liên quan, khắc phục các điểm phức tạp, các điểm đen TNGT. Đẩy mạnh phong trào thi đua toàn dân tham gia đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn; tiếp tục đánh giá, rà soát tình hình, phân tích nguyên nhân và kịp thời đề xuất các biện pháp khắc phục. Trong đó chú trọng công tác tuần tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm gây mất ATGT. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; chủ động sửa chữa, khắc phục các đoạn đường hư hỏng, phát quang những đoạn đường bị che chắn tầm nhìn, bổ sung lắp đặt đầy đủ biển báo hiệu giao thông ở những đoạn đường thường xảy ra TNGT nhằm cảnh báo, phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do TNGT. Thực hiện tốt quy chế phối hợp trong việc đảm bảo TTATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, cương quyết không để phát sinh thêm các đường ngang trái phép.