Thế giới trong tuần

1. Liên hợp quốc kêu gọi viện trợ khẩn cấp cho khu vực Sahel đối phó với nạn đói. Ngày 3-5, Liên hợp quốc cho biết khoảng 5 triệu người thuộc vùng Sahel Tây Phi sẽ cần đến viện trợ lương thực trong những tháng tới do tình trạng hạn hán. Tuy nhiên, những nguồn tài trợ hiện tại không đủ để đối phó với nạn đói xảy ra tại đây. 

Hiện nay, 6 quốc gia Sahel - nằm trên vành đai bán khô cằn dưới sa mạc Sahara, đang phải đối mặt với nạn đói tồi tệ nhất trong nhiều năm gần đây khi lượng mưa quá ít đã khiến cây cối không thể sinh trưởng và phát triển. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết, thời điểm hiện nay vẫn chưa phải là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nạn đói, nhưng các hoạt động trợ giúp cần phải được thực hiện ngay để ngăn ngừa tình trạng tử vong do suy dinh dưỡng trong tháng 6 và tháng 7 tới. Hơn 1,6 triệu trẻ em trong khu vực có nguy cơ suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng, nhiều hơn 50% so với cuộc khủng hoảng lương thực lớn gần đây nhất xảy ra tại Sahel vào năm 2012. UNICEF ước tính cần đến 1,3 triệu suất lương thực để có thể hỗ trợ cho những trẻ em dễ bị tổn thương nhất, nhưng hiện nay cơ quan này mới chỉ có thể chuẩn bị được 700.000 suất. 

2. ASEAN+3 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Ngày 3-5, Cơ quan nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã công bố báo cáo cho thấy tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN+3 (gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) được dự báo đạt 5,4% trong năm nay chủ yếu nhờ sự gia tăng nhu cầu trong nước và hoạt động xuất khẩu trong khi lạm phát ổn định. Theo báo cáo mang tên “Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm 2018”, với nhu cầu bên ngoài được cải thiện, tăng trưởng kinh tế trong khu vực dự báo sẽ lần lượt đạt 5,4% và 5,2% trong năm nay và năm 2019. Riêng trong năm nay, Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo khu vực này vẫn cần cảnh giác với những nguy cơ bên ngoài trong ngắn hạn xuất phát từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và việc siết chặt các điều kiện tài chính toàn cầu. Về dài hạn, báo cáo nhận định các xu hướng cấu trúc trong sản xuất khu vực và mạng lưới thương mại cũng như công nghệ đang thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách trong khu vực xem xét lại các chính sách hợp lý nhằm đảm bảo tăng trưởng và phát triển trong tương lai. Để giải quyết những thách thức trong thời gian tới, báo cáo khuyến cáo các nước trong ASEAN+3 cần tăng cường kết nối và hội nhập. Các nền kinh tế cũng cần xây dựng và nâng cao sức “dẻo dai” thông qua phát triển các động lực tăng trưởng khác nhau.

3. Triều Tiên cho phép thanh sát hạt nhân và tiêu hủy ICBM. Nhật báo Asahi Shimbun của Nhật Bản đưa tin Triều Tiên đã nhất trí tiêu hủy các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và lần đầu tiên sẽ cho phép các thanh sát viên tiếp cận kho hạt nhân của mình. 

Các nguồn tin của báo trên cho biết một nhóm chuyên gia hạt nhân và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã đến Triều Tiên trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 1 tuần hồi cuối tháng 4 vừa qua. Theo Asahi Shimbun, cuộc đàm phán cuối cùng đã đạt được kết quả là Bình Nhưỡng nhất trí tiêu hủy kho ICBM, mặc dù thời gian thực hiện và Triều Tiên sẽ nhận lại được gì vẫn đang được thảo luận. 

Cuộc thương lượng này được tổ chức trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra trong những tuần tới.

Trước đó, ngày 27-4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp thượng đỉnh mang tính lịch sử tại Nhà Hòa bình ở làng đình chiến Panmunjom. Cuộc gặp đã mở ra một chương mới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên khi hai nhà lãnh đạo ra tuyên bố Panmunjom, trong đó có cam kết sẽ ký kết hiệp định hòa bình trong năm nay.