Thuận Nam từ góc nhìn kinh tế biển

(NTO) Được tách ra từ Ninh Phước, huyện Thuận Nam chính thức hoạt động từ ngày 1-10-2009. Thuận Nam có tổng diện tích đất tự nhiên trên 56.453ha, trong đó riêng 3 xã ven biển (Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh) có diện tích tự nhiên 19.546ha, với dân số 30.100 người, chiếm tỷ lệ 54,72% toàn huyện.

Nhờ chiều dài bờ biển 36km trải dọc từ Phước Dinh đến Cà Ná, có đáy biển tương đối sâu, có nhiều cát và san hô, độ mặn cao và ổn định, Thuận Nam có thế mạnh về kinh tế biển, bao gồm: Sản xuất thủy sản, muối công nghiệp và du lịch. Theo đánh giá của UBND huyện, trong những năm qua, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển của huyện Thuận Nam có xu hướng tăng lên, trong đó đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, du lịch biển từng bước phát triển. Đối với lĩnh vực khai thác hải sản, Thuận Nam hiện có trên 1.000 tàu thuyền các loại, với công suất bình quân khoảng 140CV/chiếc, được trang bị các phương tiện máy móc hiện đại (máy tầm ngư, định vị, bộ đàm, máy kéo lưới, mày dò ngang...) rất thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản xa bờ dài ngày. Sự tăng thêm năng lực tàu cá đã giúp sản lượng khai thác hải sản tăng dần, cung cấp nguyên liệu cho 48 cơ sở sản xuất chế biến, thu mua thủy hải sản và 15 cơ sở chế biến cá cơm hấp. Trong giai đoạn 2010– 2015, Thuận Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành Thủy sản bình quân đạt trên 5%; hằng năm sản xuất thủy sản đóng góp 82-84% tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của huyện và đóng góp khá cao vào giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh.

 
Ảnh: SN

Trong phát triển kinh tế biển của Thuận Nam, đáng chú ý là các kết cấu hạ tầng như cảng cá Cà Ná đang được tập trung đầu tư phục vụ cho các dịch vụ hậu cần nghề cá, có tổng sản lượng bốc xếp lên mức 27.000 tấn/năm, với tàu cập bến có công suất lên đến 400CV và tạo bến neo đậu, tránh trú bão cho khoảng 1.000-1.200 tàu thuyền trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt trong quá trình phát triển các lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ gắn liền với nghề cá, đã có dấu hiệu định hình dần kinh tế đô thị biển Cà Ná. Về nuôi trồng thủy sản, Thuận Nam có diện tích thả nuôi bình quân hàng năm trên 700ha (2 vụ), trong đó vùng nuôi tôm thuộc dự án Sơn Hải (xã Phước Dinh) có diện tích thả nuôi trên 180ha, sản lượng thu hoạch trên 1.800 tấn thủy sản. Ngoài ra, Thuận Nam còn phát triển đồng muối với sản lượng khai thác muối hạt đạt trên 100.000 tấn/năm. Công tác quản lý tài nguyên môi trường biển cũng được chú ý, an ninh và chủ quyền vùng biển được đảm bảo, góp phần tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế biển.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Thuận Nam đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt, Thuận Nam đã xác định quan điểm phát triển là xây dựng huyện thành vùng trọng điểm công nghiệp phía Nam của tỉnh; khai thác tối đa, có hiệu quả nguồn nội lực và thu hút các nguồn ngoại lực nhằm khai thác lợi thế về kinh tế biển, công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Nam nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, khai thác đồng bộ cả về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá, lấy chế biến làm động lực; phát triển kinh tế biển gắn với công nghiệp, các hoạt động dịch vụ du lịch, tham quan môi trường sinh thái biển, nhất là vùng dọc đường ven biển và bảo vệ môi trường, tài nguyên biển, đảm bảo phát triển bền vững.

 
Mùa thu hoạch cá cơm của ngư dân xã Cà Ná, (Thuận Nam). Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Để đánh thức các tiềm năng kinh tế biển, những năm tới, Thuận Nam tập trung khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, khoa học-công nghệ; tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế thủy sản với tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 4,5%/năm”. Theo lộ trình phát triển, Thuận Nam định hướng tổ chức không gian, lãnh thổ làm 4 tiểu vùng kinh tế-xã hội, trong đó điểm nhấn là Tiểu vùng động lực về năng lượng hạt nhân, du lịch (khu vực xã Phước Dinh) với Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và khu du lịch Mũi Dinh, có kinh tế chủ yếu là năng lượng hạt nhân, du lịch biển, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản. Ngoài ra, còn có điểm nhấn Tiểu vùng động lực kinh tế biển, công nghiệp, dịch vụ gắn với lợi thế biển (gồm 2 xã: Cà Ná và Phước Diêm), có kinh tế chính là đánh bắt hải sản, du lịch biển với các khu du lịch Cà Ná, dịch vụ hậu cần nghề cá, vận tải biển, công nghiệp đóng tàu, chế biến thuỷ sản...

Để tạo bước đột phá, Thuận Nam xác định trọng tâm là tập trung đầu tư phát triển một số chương trình, dự án lớn nằm trong hệ thống các công trình trọng điểm quốc gia, các khu kinh tế ven biển gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị hoá vùng ven biển. Mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2020, Thuận Nam xây dựng kinh tế biển thành kinh tế mũi nhọn, nâng cao đời sống Nhân dân, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh quốc gia.