Thuận Bắc: Trên đường phát triển

(NTO) Những ngày tháng Tư lịch sử, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tưng bừng kỷ niệm ngày vui đại thắng. Ở nơi cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Bắc cũng trang trọng ôn lại chặng đường lịch sử để thêm nỗ lực, quyết tâm gặt hái nhiều thành tựu trên bước đường đổi mới.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân huyện Thuận Bắc đã đóng góp to lớn về sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Lịch sử ghi dấu những cuộc nổi dậy phá ấp, phá kìm, làm suy yếu, tê liệt bộ máy địch ở Ba Tháp, Xóm Bằng, Phương Cựu; những đội quân du kích ở các xã Phước Kháng, Phước Chiến hiệp đồng với quân du kích ở Bác Ái Đông đánh địch bung ra hướng Đông Bắc, đột kích vào các ấp Bà Râu, Kiền Kiền, Ma Trai bắt bọn tề điệp; hàng trăm dân công ở các xã Phước Kháng, Phước Chiến, Phước Trường, Phước Sơn và các xã của huyện Bác Ái được huy động sang Cam Ranh vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường... Tất cả dồn sức cùng bộ đội địa phương và quân chủ lực phá tan tuyến phòng thủ Du Long, giải phóng thị xã Phan Rang (ngày 16-4-1975) và mở đường cho đại quân ta tiếp tục đập tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc, tiến về giải phóng Sài Gòn, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 vang dội.

 
Trung tâm huyện Thuận Bắc. Ảnh: TL

Ngày ấy đã là 41 năm về trước nhưng sống mãi trong niềm tự hào của đồng bào các dân tộc huyện Thuận Bắc hôm nay. Kế thừa truyền thống bất khuất, anh dũng trong đấu tranh, sau 24 năm tái lập tỉnh và hơn 10 năm thành lập, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự đồng sức, đồng lòng của ý Đảng-lòng dân, Thuận Bắc hôm nay đã bước sang trang mới bằng những bước tiến dài trên tiến trình xây dựng và phát triển. Đồng chí Nguyễn Dâng Tuyển, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc, chia sẻ: Sau ngày giải phóng quê hương, địa giới hành chính của huyện vốn thuộc huyện Ninh Hải. Từ ngày 1-10-2005, huyện Thuận Bắc chính thức thành lập và đi vào hoạt động với 6 đơn vị hành chính là: Công Hải, Lợi Hải, Bắc Phong, Bắc Sơn, Phước Kháng và Phước Chiến; có tổng diện tích toàn huyện 31.922ha; có 34.675 dân sinh sống (nay đã hơn 41 ngàn dân). Những ngày đầu với biết bao bộn bề, khó khăn, thách thức của một huyện mới, với xuất phát điểm kinh tế thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 46%, nhất là miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trải qua chặng đường xây dựng và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự giúp đỡ của UBND tỉnh, sự đầu tư của Trung ương, cùng với ý chí phấn đấu, quyết tâm khắc phục khó khăn, Đảng bộ và nhân dân huyện Thuận Bắc đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, biến tiềm năng, lợi thế thành lực lượng vật chất, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân từng bước cải thiện.

 
Hệ thống thủy lợi xã Bắc Phong (Thuận Bắc) được kiên cố hóa, đảm bảo nguồn nước sản xuất cho nông dân. Ảnh: DL

Thuận Bắc hôm nay có hệ thống giao thông thông suốt từ huyện đến xã. Một số tuyến chính, như: Kiền Kiền-Vĩnh Hy, Lợi Hải-Phước Kháng, Phước Chiến-Phước Thành, tuyến ven biển Công Hải-Vĩnh Hy… đã mở ra hướng phát triển mới cho địa phương. Hệ thống thủy lợi được ưu tiên đầu tư, nâng diện tích sử dụng nước chủ động lên gấp 2,6 lần; sản lượng lương thực tăng lên gấp 4,8 lần so với thời kỳ đầu thành lập huyện. Hệ thống điện lưới quốc gia đã phủ khắp 100% số thôn; tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh trên 90% dân số. Nền kinh tế có bước phát triển nhanh, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm 21,7%; tổng giá trị sản xuất các ngành tăng gấp 11,6 lần; cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng: Công nghiệp-xây dựng chiếm 51,4%; nông nghiệp 39,59%; dịch vụ 9,1%; thu ngân sách hằng năm tăng 10 lần. Hạ tầng phục vụ hành chính công, khu Trung tâm hành chính huyện và các xã khá khang trang. Giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, từng bước nâng cao về chất lượng; có 5/6 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 19%, có 28/32 thôn được công nhận Thôn văn hóa; tích cực thực hiện giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 46,1% (năm 2005) xuống còn 15,72% (năm 2015).

Các hoạt động văn hóa-văn nghệ, phong trào thể dục-thể thao quần chúng từng bước phát triển, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, tinh thần lành mạnh; chính sách xã hội được quan tâm chăm lo, đời sống của các đối tượng chính sách, người có công được quan tâm đúng mức. Quốc phòng-an ninh đảm bảo giữ vững, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị được thường xuyên củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, phát huy. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể ngày càng sát dân, gần dân; mối đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc ngày càng được tăng cường. Tất cả những thành quả trên đã tạo nên một diện mạo Thuận Bắc tươi sáng hôm nay.

 
Ảnh: Đình Nhi

Phát huy những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân huyện Thuận Bắc đang phấn đấu xây dựng huyện trở thành khu kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh. Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện đến năm 2020 là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp, du lịch; phát triển kinh tế-xã hội gắn với giữ vững quốc phòng-an ninh. Trước mắt, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III (nhiệm kỳ 2015-2020) với những giải pháp đột phá trọng tâm, đó là: Tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về công nghiệp và du lịch. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương. Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất; rà soát đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội miền núi. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ dân trí, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.