Đồng hành, chung thủy nhà nông

(NTO) Nhiều năm qua, nói đến Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận (Agribank Ninh Thuận), không ít nông hộ luôn dành thiện cảm bởi đơn vị đã “đồng cam, cộng khổ”, vui với niềm vui được mùa của bà con, nhưng đồng thời lo với nỗi lo chung khi gặp mùa màng thất bát để rồi cùng chung tay khắc phục…

Sự gắn bó đó không thể tạo lập một sớm một chiều mà là bề dày của quá trình cộng tác thủy chung. Đặc biệt, những năm gần đây, Agribank Ninh Thuận đã tập trung đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã vượt qua khó khăn về sinh kế, vươn lên cải thiện cuộc sống...

Tàu dịch vụ hậu cần đóng mới bằng vỏ Composite mang tên Việt Anh của ngư dân Nguyễn Đức Hải
ở thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải.Ảnh: MD

Tất cả vì nông dân, nông thôn

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp (nay là Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn), hoạt động của toàn chi nhánh thật sự khởi sắc. Nhờ linh động, sáng tạo, bám sát chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng, đặc biệt là ưu tiên dòng vốn phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Agribank Ninh Thuận đã nỗ lực trong việc đưa nguồn vốn đến với nông dân, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Nếu như trước đây, nông dân khó tiếp cận được với nguồn vốn vay thì nay việc vay vốn khá đơn giản và thuận tiện, nhờ vậy, đã tạo cho khách hàng niềm tin, sự hài lòng khi giao dịch và lựa chọn sử dụng dịch vụ của ngân hàng.

Theo lãnh đạo Agribank Ninh Thuận cho biết, sau một thời gian hoạt động có phần chững lại thì từ năm 2014 đến nay, vượt lên khó khăn của tình hình kinh tế trong nước và tỉnh nhà, hoạt động kinh doanh của đơn vị đã có những khởi sắc, từng bước phát triển ổn định. Nếu như năm 2013, tổng nguồn vốn toàn đơn vị trên 2.696 tỷ đồng thì đến năm 2015 tăng lên 3.650 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,3%/năm. Chỉ tính năm 2015, dư nợ tín dụng toàn chi nhánh tăng 24% so với năm 2014. Đến nay, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 3.415 tỷ đồng, chiếm gần 30% thị phần tín dụng trên địa bàn. Trong đó, dư nợ đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn 2.584 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75,7%, với gần 37.740 khách hàng được vay vốn, tăng gấp 2,64 lần so với năm 2010, tăng bình quân 20%/năm. Nhiều lĩnh vực đầu tư đem lại hiệu quả cao không chỉ về kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, tạo niềm tin trong nông dân nói riêng về các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Đơn cử như, Agribank Ninh Thuận đã đầu tư các chương trình cho vay đến 100% số xã trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tính đến đầu năm nay, đã có gần 24.890 khách hàng vay, với tổng dư nợ 1.466 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu cho vay hộ sản xuất, kinh doanh với tổng vốn 1.190 tỷ đồng/20.834 khách hàng; cho vay xây dựng nhà ở: 51 tỷ đồng với 547 khách hàng vay; cho vay khác: 225 tỷ đồng với 3.507 khách hàng vay. Từ nguồn vốn nói trên đã góp phần đạt một số tiêu chí, tạo thêm điều kiện để 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015... Mô hình cho vay qua tổ liên kết vay vốn ngày càng phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp cận với nguồn vốn của Agribank trong việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, toàn tỉnh đã thành lập 744 tổ, với trên 25.120 thành viên, dư nợ cho vay trên 1.010 tỷ đồng. Đáng nói là, thực hiện cho vay theo Quyết định 63, 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và cho vay ưu đãi xuất khẩu, giải ngân các dự án dài hạn trọng điểm phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh, Agribank Ninh Thuận đã giải ngân cho vay Công ty TNHH Thông Thuận (271 tỷ đồng) để xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà máy Chế biến tôm số 2, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động tại địa phương, giúp mang về nguồn thu ngoại tệ qua xuất khẩu khoảng 30 triệu USD; cho vay dự án đối với Công ty Cổ phần Thủy điện Hạ Sông Pha (hạn mức cho vay 374,6 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Thủy điện Quảng Sơn (hạn mức 130,7 tỷ đồng). Về thực hiện cho vay đóng, sửa tàu thuyền theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ, bằng nhiều nỗ lực đến nay đã giải ngân trên 49/71 tỷ đồng cho 8 tàu, trong đó có 3 tàu hậu cần, 5 tàu khai thác. Trong năm 2016 này, Agribank Ninh Thuận tiếp tục phối hợp triển khai thẩm định các dự án mới trình UBND tỉnh phê duyệt đợt II đối với 6 chiếc tàu vỏ gỗ, số tiền đề nghị vay gần 26 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện chính sách miễn, giảm lãi cho khách hàng gặp khó khăn về tài chính, không còn khả năng trả nợ do bị thiên tai, hạn hán, Agribank Ninh Thuận đã thực hiện miễn giảm lãi cho 118 khách hàng, với tổng số tiền trên 3,96 tỷ đồng, tạo thêm điều kiện để các khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay mới để phát triển sản xuất.

Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận niềm nở
trong giao dịch với khách hàng. Ảnh: VM

Đẩy mạnh thực hiện an sinh xã hội

Có thể nói, song hành với phát triển sản phẩm dịch vụ trong hoạt động kinh doanh, Agribank Ninh Thuận luôn quan tâm thực hiện tốt hoạt động an sinh xã hội. Trong 5 năm qua, đơn vị đã thực hiện với tổng số tiền trên 10,5 tỷ đồng vào các Quỹ Vì người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, trường học… Riêng từ năm 2013 đến nay, Chi nhánh đã thực hiện các chương trình hoạt động xã hội từ thiện trên 2,45 tỷ đồng cho nhiều hoạt động, trong đó có những hoạt động với nguồn đóng góp lớn hàng năm như: Năm 2013, đóng góp trên 856 triệu đồng ủng hộ các Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Vì Trường Sa thân yêu…, trong đó ủng hộ Hội Khuyến học tỉnh 500 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị còn tiếp nhận từ Agribank Việt Nam ủng hộ xây dựng Trường PTDT nội trú tỉnh 2 tỷ đồng. Năm 2014, toàn ngành ủng hộ các quỹ trên 769 triệu đồng, trong số này ủng hộ xây dựng 20 căn nhà tình nghĩa cho người nghèo trong tỉnh với tổng số tiền 500 triệu đồng. Hay như năm 2015, tổng số tiền chi nhánh thực hiện hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội là 829 triệu đồng, trong đó ủng hộ 500 triệu đồng xây dựng Trường Mẫu giáo Phước Diêm... Mặt khác, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, chi nhánh đã ủng hộ cho một số xã trong tỉnh 13 bộ máy tính và 1 tivi, với tổng kinh phí trên 131,43 triệu đồng.

Những đóng góp trong công tác an sinh xã hội của Agribank Ninh Thuận đã xây dựng niềm tin với khách hàng từ việc sẻ chia cùng xã hội, góp phần tạo nên hình ảnh mới, thân thiện cho Agribank Việt Nam nói chung, Agribank Ninh Thuận nói riêng.

Hướng đến tương lai

Trong thời gian tới, Agribank Ninh Thuận xác định vẫn là ngân hàng trụ cột, chủ lực trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, mục tiêu đặt ra là tiếp tục tập trung vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn, nhất là các lĩnh vực nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương chỉ đạo tập trung vốn cho vay với cơ cấu, thời hạn và lãi suất phù hợp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản...; chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là cho vay đối với nhu cầu nâng cao quá trình cơ giới hóa và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên vốn cho các sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Gắn chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới... Theo đó, hướng phát triển của doanh nghiệp trong 5 năm tới, đó là đạt tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động bình quân hằng năm từ 9-10%; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm 14-15%...

Theo lãnh đạo Agribank Ninh Thuận, để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân được thuận lợi, rất cần được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thông qua các hoạt động như đẩy nhanh tốc độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch các vùng chuyên canh để đầu tư các cây trồng, vật nuôi; đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng, hồ chứa nước... để tạo điều kiện cho kinh tế nông nghiệp nói chung, kinh tế hộ nói riêng phát triển.