Ươm những mầm xanh trên đất hạn

(NTO) 41 năm sau ngày đất nước thống nhất, nền nông nghiệp tỉnh ta có bước phát triển vượt bậc, trong đó nổi lên là xây dựng được những vùng chuyên canh cây trồng thích ứng với hạn hán.

Những ngày đầu tháng Tư, chúng tôi về vùng “tâm hạn” Vĩnh Hải (Ninh Hải). Giữa cái nắng chang chang là những giàn nho xanh biếc. Đồng chí Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, cho hay: Cây trồng ở đây xanh tốt quanh năm giữa nắng hạn đó là nhờ các hộ tích cực áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm. Tổng diện tích cây nho của xã là 150ha, hiện nay có khoảng 80% hộ áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm. Đây là giải pháp hữu hiệu vượt qua nắng hạn để hình thành nên những cánh đồng cây trái cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Nông dân khai thác nguồn nước ngầm để sản xuất hoa màu giữa mùa khô hạn.

Rời Vĩnh Hải, theo tuyến đường ven biển về thôn Tuấn Tú (xã An Hải, Ninh Phước) tham quan mô hình sản xuất rau an toàn được đánh giá góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống ở vùng nông thôn. Nghe nông dân sản xuất giỏi Kiều Trạm kể chuyện trồng rau an toàn trong nhà lưới, mới hay nông dân tỉnh ta hiện nay đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu chính đáng trên những vùng đất khô hạn. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2014 đến nay, anh Trạm đã chuyển 7 sào đất kém hiệu quả sang trồng rau an toàn, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng.

Giờ đây đi về các miền quê trên toàn tỉnh, từ đồng bằng lên miền núi dễ gặp những vùng chuyên canh cây trồng trù phú. Ngược lên Chiến khu Anh Dũng năm xưa, ngồi hàn huyên với ông Trần Văn Thân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Ninh Sơn, nguyên chiến sỹ Quân đoàn II vào giải phóng Ninh Thuận, mới hay: Sau năm 1975, nền nông nghiệp chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh nên rất lạc hậu. Những năm gần đây, nhờ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn ứng phó với hạn hán, sản xuất nông nghiệp có những chuyển biến tích cực. Đúng như lời ông Thân chia sẻ, để tạo bước đột phá mới, các địa phương đã triển khai nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Tại thôn Mỹ Hiệp (xã Mỹ Sơn), trong vụ đông-xuân 2015-2016, nông dân đã chuyển 110ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây đậu xanh, lợi nhuận thu được cao gấp đôi so với trồng lúa.

Nhân dân Ninh Thuận kiên cường trong chiến tranh, ngày hòa bình lập lại hăng say lao động, sáng tạo trong sản xuất. Đợt hạn hán lịch sử kéo dài từ cuối năm 2014 đến nay, làm nguồn nước ngầm, nước ở các hồ đập cạn kiệt, nhưng nông dân vẫn kiên cường bám đất, áp dụng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong “cái khó ló cái khôn”, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực vào cuộc hướng dẫn bà con chọn các loại cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng ở từng khu vực. Tiêu biểu về thực hiện chuyển đổi cây trồng có hiệu quả là huyện Ninh Hải đã quy hoạch vùng sản xuất nho xanh hàng chục ha ở khu vực hồ Thành Sơn; huyện Thuận Bắc xây dựng vùng trồng đậu xanh quanh hồ Bà Râu. Đáng mừng là, hoạt động chuyển đổi cây trồng của các địa phương đảm bảo tính bền vững do có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm.

Để ươm những mầm xanh trên vùng đất hạn, tỉnh ta xác định phải tập trung xây dựng các công trình thủy lợi, xem đây là giải pháp căn cơ lâu dài. Từ ngày tái lập tỉnh (1992) đến nay, tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh ta đã xây dựng hàng chục công trình thủy lợi dẫn nước vào đồng ruộng. Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 20 hồ chứa nước, với tổng dung tích hơn 195 triệu m3. Không dừng lại đó, khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ, tỉnh đang xây dựng phương án liên thông các hồ đập; đồng thời, thi công Đập dâng Tân Mỹ, dung tích chứa 210 triệu m3, tiếp nước cho hồ Cho Mo, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh để tưới ổn định 6.500ha đất sản xuất nông nghiệp. Hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, tạo thuận lợi cho nông dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng. Trên những vùng đất bạc màu ở huyện Bác Ái, Thuận Bắc, từ khi đưa vào sử dụng công trình thủy lợi hồ Sông Sắt, hồ Trà Co, hồ Sông Trâu đã phủ xanh bởi các mô hình bắp lai, mì cao sản, mía, có giá trị kinh tế cao.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: So với ngày đầu thống nhất đất nước, nông nghiệp tỉnh nhà có bước phát triển vượt bậc, nhất là từ năm 2011 đến nay, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tăng giá trị cây ăn quả, cây công nghiệp; giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng bình quân 9,4%/năm. Nhìn lại chặng đường 41 năm phát triển, đặc biệt từ ngày tái lập tỉnh, có thể tự hào rằng, chính trên quê hương Ninh Thuận anh hùng đầy nắng gió đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung với những loại cây trồng đặc thù, như: Mía, mỳ ở huyện Ninh Sơn; nho, táo, hành, tỏi… ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải…