Dạy chữ phải đi liền với dạy học làm người

(NTO) Nhân cách con người được coi là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thể hiện bản sắc và giá trị của mỗi con người. Trong đó, đạo đức chính là yếu tố căn bản hình thành nên những phẩm chất quý báu của con người. Đối với nhiệm vụ giáo dục học sinh hiện nay, nhà trường và giáo viên bên cạnh việc dạy chữ thì cần phải quan tâm đến việc dạy học sinh cách học làm người như thế nào.

Trong những năm gần đây, những hành vi vi phạm của học sinh về mặt đạo đức, nhân cách, lối sống ngày càng gia tăng, chẳng hạn như: vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, sa vào các tệ nạn xã hội… những hành vi vi phạm này của học sinh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: tâm - sinh lý học sinh thường hiếu động, bồng bột, thiếu suy nghĩ chín chắn, muốn khẳng định và thể hiện mình... vì thế chỉ cần một xích mích nhỏ là có thể xảy ra bạo lực học đường; sự thiếu quan tâm, chăm sóc và những mối quan hệ không tốt đẹp của gia đình; sự thiếu đồng bộ trong việc tổ chức giáo dục học sinh giữa nhà trường với các tổ chức xã hội, sự du nhập của các luồng văn hoá độc hại, trò chơi điện tử bạo lực... Đây là những nguyên nhân dễ khiến học sinh có những hành vi xấu đối với người xung quanh và tác động không nhỏ đến đạo đức của học sinh.

Cô Bùi Thị Thủy, giáo viên Trường THCS An Dương Vương (Xuân Hải, Ninh Hải) tận tình dạy chữ, rèn người
Ảnh: Sơn Ngọc

Từ những biểu hiện này đã đặt ra những vấn đề lớn không chỉ đối với mỗi gia đình, nhà trường mà còn là cả xã hội. Đó là làm sao để những kiến thức ở trên lớp mà học sinh tiếp nhận được trở thành những kỹ năng, hành động đẹp và đúng đắn trong cuộc sống? Làm sao các em có thể tự bảo vệ chính bản thân trước những tác động bởi cái xấu và các tệ nạn trong xã hội?… Ý thức được vai trò và tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức (GDĐĐ) đối với học sinh trong nhà trường, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các chủ đề như: “Học làm người trước khi học lấy chữ”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... Do vậy, để góp phần GDĐĐ học sinh, bên cạnh vai trò của gia đình thì vai trò, trách nhiệm của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) và giáo viên bộ môn (GVBM) là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc lồng ghép và kết hợp cả 2 phương pháp giáo dục này chưa thực sự phổ biến và hiệu quả. Nhất là trong các tiết học trên lớp của GVCN và GVBM. Chúng ta có thể nêu ra những khó khăn, vướng mắc như:

Về phía nội dung các môn học:

Trong chương trình giáo dục cấp THCS và THPT nói riêng, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải đổi mới nội dung giảng dạy đạo đức cho học sinh bên cạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong đó có thể lồng ghép việc GDĐĐ học sinh. Ta có thể kể đến các môn học góp phần trực tiếp vào việc GDĐĐ học sinh trong nhà trường như: Đạo đức, Giáo dục công dân. Ngoài ra phải kể đến các môn học phụ trợ khác như: môn Ngữ văn, Lịch sử, Sinh học,… Song, một thực tế hiện nay, hầu hết các môn học này vẫn còn nặng về lý thuyết và ôm đồm quá nhiều nội dung, coi nhẹ về giáo dục kỹ năng sống và GDĐĐ cho học sinh. Mặt khác, trong quá trình giảng dạy, GVBM chưa liên hệ thực tế từ cuộc sống nhiều, từ đó khiến cho các em còn thụ động và chưa vận dụng được các kiến thức trong sách vở vào đời sống, chưa tạo được hiệu quả trong việc hình thành nhân cách, đạo đức học sinh.

Về việc quản lý của Nhà trường và vai trò của GVCN:

Nhà trường phải đi đầu trong việc quán triệt nề nếp, kỷ luật của nhà trường đối với học sinh trong các buổi chào cờ đầu tuần, hoạt động ngoài giờ, gặp mặt phụ huynh học sinh,… kết hợp với việc xây dựng nội quy, quy chế phù hợp để tác động trực tiếp đến việc hình thành đạo đức cho các em; đồng thời phải phối hợp với gia đình và xã hội để GDĐĐ các em hoàn thiện trong suốt quá trình học tập và rèn luyện tại trường. Bên cạnh đó, vai trò của GVCN cũng cần phải được phát huy một cách tối đa trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như duy trì sự ổn định, trật tự, kỷ luật trong lớp học. Tuy nhiên trong những năm qua, vai trò của nhà trường và GVCN trong việc GDĐĐ cho các em chưa được phát huy đầy đủ. Chẳng hạn ở nhiều trường học, giờ chào cờ đầu tuần còn tập trung nhiều về các hoạt động chuyên môn, trường, lớp mà chưa đưa nhiều nội dung GDĐĐ vào nội dung chào cờ; hình thức xử lý học sinh vi phạm chưa phù hợp, thích đáng và có tính răn đe cao. Do vậy, vẫn còn tình trạng học sinh coi thường nội quy, quy định nhà trường, ngang nhiên vi phạm,… Mặt khác, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc GDĐĐ cho học sinh còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ; nhiều GVCN còn tỏ ra thờ ơ với công tác chủ nhiệm, không quán xuyến, theo dõi những biến đổi trong hoạt động học tập, rèn luyện cũng như tâm - sinh lý của các em, việc GVCN tận tình đến nhà thăm hỏi và tìm hiểu về hoàn cảnh của các học sinh cá biệt, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt cũng bị hạn chế…

Về phương pháp giảng dạy của GVBM khi lên lớp:

Giáo dục ở cấp học nào cũng cần phải toàn diện, có khoa học và phương pháp giáo dục hợp lý. GDĐĐ của học sinh càng cần đến các phương pháp giảng dạy tích cực, có tính tích hợp cao. Ở nhà trường THPT nói riêng, việc GDĐĐ và nhân cách cho học sinh là rất cần thiết. Học sinh khi đến trường không chỉ được học các kiến thức trong sách vở mà còn được các thầy cô giáo dạy học làm người nữa. Tuy nhiên, việc lồng ghép dạy chữ lẫn dạy làm người ở các môn học hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, nhiều khi còn bị hiểu sai, làm sai. Thực tế cho thấy, trong một thời gian ít ỏi của bài học, nhiều GVBM chỉ tập trung giảng dạy hết phần nội dung kiến thức cho các em, mà quên mất việc lồng ghép kiến thức để GDĐĐ cho học sinh, dẫn đến việc giáo dục kỹ năng sống, hình thành nhân cách cho các em đã bị bỏ ngõ; nhiều giáo viên thiếu kiến thức về chuyên môn lẫn kiến thức về giáo dục giới tính, GDĐĐ…

Về các hoạt động ngoại khóa cho học sinh:

Cùng với việc giảng dạy kiến thức cho các em, việc tăng cường các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp cho các em học sinh sẽ là một trong những biện pháp giúp các em hình thành nhân cách đạo đức và trau dồi vốn sống rất hiệu quả. Thông qua các chủ đề hoạt động ngoại khóa, các em sẽ được trang bị các kiến thức về cuộc sống, hiểu thêm về các phong tục, truyền thống, văn hóa của dân tộc, biết rèn luyện và hoàn thiện bản thân thông qua các trò chơi, đối tượng tiếp xúc, môi trường giao lưu… Tuy nhiên, với hoạt động này, nhiều trường học còn chưa thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ, hoạt động ngoại khóa chỉ ở lý thuyết chưa có tính thực tế. Do vậy, phần lớn môi trường giao lưu và sinh hoạt của các em là ở gia đình và các cơ sở vui chơi, giải trí khác.

GDĐĐ cũng chính là mục đích đào tạo những con người không chỉ có tài mà còn có đức, để các em trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội. Để làm được điều đó, ngoài việc dạy chữ, nhà trường và GVCN, GVCM cần nâng cao hơn nữa vai trò trong việc dạy làm người cho học sinh. Trong đó, vai trò của GVCN, GVBM là rất quan trọng. Nhà trường bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, xây dựng cơ sở vật chất,… thì cần phải xây dựng các chương trình, chuyên đề để GDĐĐ, lối sống và nhân cách cho các em; GVCN cần theo dõi, nắm bắt tình hình học sinh trong lớp để có biện pháp giáo dục kịp thời, nhất là phải uốn nắn các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình…cho các em học sinh thông qua các giờ lên lớp như: sinh hoạt 15 phút đầu giờ, sinh hoạt lớp, học ngoại khóa… để kịp thời ổn định nề nếp, kỷ luật lớp học, điểu chỉnh những hành vi, biểu hiện bất thường của các em. Đối với GVBM, phương pháp dạy phải giúp học sinh có kỹ năng ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức; lồng ghép và liên hệ kiến thức bài học với thực tế cuộc sống; cần phát huy thế mạnh của các phương pháp giảng dạy như: ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ dạy, thảo luận nhóm, nhập vai, tổ chức các trò chơi, và hơn hết cả, mỗi thầy cô giáo phải là những tấm gương sáng và mẫu mực để các em noi theo.