Ông Trần Đồng Quý, thành viên Ban Phát triển xã cho biết: Trong triển khai thực hiện các hợp phần của Dự án HTTN, việc phát triển chuỗi giá trị được xác định giữ vai trò quan trọng, tạo ra các dịch vụ dựa trên nhu cầu thực tế, gắn kết các hộ nghèo, cận nghèo với cơ hội tiếp cận thị trường. Đối với địa phương, dựa trên phương pháp xác định chuỗi giá trị ưu tiên, Ban Phát triển xã, Ban Phát triển thôn phối hợp với DASU huyện đã cùng với người dân tại 6 thôn lựa chọn, xác lập 7 chuỗi giá trị ưu tiên và thành lập 45 nhóm đồng sở thích (NST). Riêng chuỗi giá trị trồng trọt, địa phương xác định đây là chuỗi giá trị thế mạnh với các cây trồng chủ lực là hành, tỏi, táo và nho. Theo đó, toàn xã thành lập được 15 NST trồng hành tím, 3 NST trồng tỏi, 3 NST trồng nho và 3 NST trồng táo với hơn 200 hộ thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, hộ có thu nhập thấp tham gia.
Thành viên NST trồng tỏi thôn Mỹ Tường 1 áp dụng mô hình trồng tỏi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho giá trị kinh tế cao hơn.
Để các chuỗi giá trị thế mạnh của địa phương duy trì hoạt động, Ban Phát triển xã thường xuyên mở các lớp tập huấn cho nông dân và thành viên các NST kỹ năng trồng, chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch trên từng loại cây nằm trong chuỗi giá trị, kết hợp đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình trồng cây theo hướng an toàn, tăng năng suất, nâng giá trị kinh tế cho nông dân, từ đó góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Dự án HTTN cũng đã trực tiếp hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, phương tiện máy móc để các NST triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả, đồng thời định hướng liên kết, tìm kiếm thị trường, tạo đầu ra ổn định cho nông phẩm. Đơn cử có NST thôn Khánh Nhơn 1 được Quỹ CDF thuộc Dự án HTTN đầu tư hơn 90 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng táo an toàn theo hướng VietGAP trên diện tích 0,9ha; 20 hộ trong NST trồng hành thôn Mỹ Tường 2 được Quỹ CSG hỗ trợ gần 100 triệu đồng mua máy phay đất và hành giống, vật tư ban đầu để nhóm tổ chức sản xuất hành tím trong vụ đông-xuân 2014-2015; NST trồng nho thôn Mỹ Tường 1 được hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp để thực hiện mô hình trồng nho an toàn trên diện tích 1,4 ha…
Về đầu tư kết cấu hạ tầng chung từ nguồn vốn hỗ trợ của dự án, xã đã thi công và đưa vào sử dụng nhiều tuyến giao thông quan trọng, như: Nâng cấp đường bê-tông từ trung tâm thôn Mỹ Tường 2 đến giáp Tỉnh lộ 702, dài 295m và tuyến đường thôn Khánh Nhơn 1 đến giáp tỉnh lộ 702, dài 507m nối các vùng sản xuất hành, tỏi, táo với kinh phí đầu tư hơn 600 triệu đồng; thi công tuyến giao thông ở thôn Mỹ Tường 1 đi vào khu sản xuất hành, tỏi, nho dài 550m và tràn Khánh Phước dài 593m, tổng vốn đầu tư 1,77 tỷ đồng. Xây dựng kho bãi, điểm thu mua nông sản thôn Khánh Tân kinh phí 300 triệu và mua sắm trang thiết bị sơ chế bảo quản hành, tỏi sau thu với kinh phí 400 triệu đồng…
Theo đánh giá của Ban Phát triển xã, dưới tác động của Dự án HTTN, địa phương đã triển khai thực hiện phát triển các chuỗi giá trị thế mạnh về trồng trọt mang lại hiệu quả rõ rệt, được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng bởi Dự án đã góp phần giải quyết được một số vấn đề cấp thiết của nhân dân như xây dựng các đường giao thông đi vào khu sản; thành lập các tổ nhóm, tập huấn đào tạo nâng cao năng lực và giá trị kinh tế cho người dân trong sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vốn đầu tư giúp người dân từng bước thoát nghèo một cách bền vững cải thiện cuộc sống. Qua rà soát, trong giai đoạn triển khai dự án, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm được 4,25%; hộ cận nghèo cũng giảm được 5,7%. Đây được xem là kết quả quan trọng hỗ trợ địa phương thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Diễm My