Hiệu quả chuỗi giá trị nuôi bò sinh sản ở Phước Tân

(NTO) Xã Phước Tân (Bác Ái) hiện có 600 hộ /2.390 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn xã khoảng 839ha, ngoài việc tập trung sản xuất các loại cây trồng như lúa, bắp…, bà con còn phát triển thêm chăn nuôi bò, dê, cừu, với số lượng trên 2.300 con.

 
Từ sự hỗ trợ của Dự án HTTN, chị Katơ Thị Cuốn có thêm điều kiện phát triển chăn nuôi.

Thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), đầu năm 2015, Ban Phát triển xã đã khảo sát và thành lập 5 nhóm đồng sở thích chăn nuôi bò sinh sản, với 85 hộ thành viên, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Để tạo cơ sở ban đầu cho các nhóm đi vào hoạt động, từ nguồn vốn của Dự án HTTN, các nhóm đồng sở thích được hỗ trợ 42 bò cái sinh sản, với kinh phí 740 triệu đồng để nuôi theo hình thức luân chuyển. Ngoài ra, DASU huyện cũng hỗ trợ 2 bò đực; từ Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF), các thành viên còn được dự án hỗ trợ làm 27 chuồng bò, với kinh phí 340 triệu đồng. Theo quy định, khi các thành viên đầu tiên nhận bò mẹ về nuôi đến khi đẻ ra 1 bê con thì phải tiến hành chuyển giao bò mẹ lại cho các hộ thành viên kế tiếp trong nhóm nuôi. Để mô hình được duy trì và phát huy hiệu quả, sau khi các thành viên tiếp nhận bò về nuôi, Ban Phát triển xã đã tổ chức họp và xây dựng quy chế cụ thể cho từng nhóm để các hộ thực hiện đúng với cam kết của dự án đề ra.

Đồng chí Pi Năng Ngọc, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Phát triển xã Phước Tân, cho biết: Mặc dù đang trong mùa khô hạn nhưng nhờ được tập huấn về công tác chăm sóc, dự trữ nguồn thức ăn hợp lý, đặc biệt là việc chủ động trồng cỏ của các nhóm nên hầu hết số bò của 5 nhóm đều phát triển tốt. Đến nay, sau một thời gian nuôi, từ 42 bò giống đã có 8 con sinh sản, 14 con đang trong giai đoạn cấn chửa. Chị Katơ Thị Cuốn, thành viên trong nhóm ở thôn Ma Ty, chia sẻ: Gia đình thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào 4 sào bắp. Tuy nhiên do nắng hạn nên năng suất đạt thấp, nay nhờ được hỗ trợ bò giống, gia đình có thêm điều kiện phát triển chăn nuôi. Từ sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ xã về cách chăm sóc, nên mấy tháng qua, thời tiết khô hạn nhưng bò vẫn phát triển tốt. Hiện nay, bò đã cấn chửa nên mình phấn khởi lắm, xem như đây là số vốn để tích lũy làm ăn sau này.

Cũng theo đồng chí Pi Năng Ngọc, nếu xét về thực tế so với các chuỗi giá trị chăn nuôi khác thì chuỗi giá trị nuôi bò mất khá nhiều thời gian để người dân có thể hưởng lợi. Tuy nhiên, qua tín hiệu lạc quan từ các hộ trực tiếp nuôi, có thể thấy đây là mô hình phù hợp với các hộ nghèo tại địa phương. Thời gian tới, để đảm bảo đàn bò phát triển tốt, Ban Phát triển xã tập trung hướng dẫn các nhóm về kỹ thuật chăn nuôi, tăng diện tích trồng cỏ để đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững.