Hiệu quả từ Dự án Hỗ trợ Tam nông ở Nhị Hà

(NTO) Nhị Hà là 1 trong 2 xã của huyện Thuận Nam được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN). Qua 5 năm thực hiện các hợp phần của dự án, Ban Phát triển xã triển khai nhiều chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiêp, tạo sinh kế cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương vươn lên thoát nghèo.

Xã Nhị Hà có 3 thôn, với 651 hộ/3.218 nhân khẩu, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích đất tự nhiên 5.100ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp gần 2.000ha. Do đặc điểm thổ nhưỡng địa phương không thuận lợi, nên hàng năm ngoài phát triển trên 540ha lúa nước, khoảng 120ha bắp, rau đậu các loại…, người dân còn phát triển thêm chăn nuôi với tổng đàn gia súc khoảng 6.100 con.

Bà Vũ Như Sơn, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Phát triển xã, cho biết: Từ thực tế của địa phương, ngay khi dự án được triển khai, Ban Phát triển xã đã khảo sát và tập trung ưu tiên thực hiện Hợp phần phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo như bò, cừu, lúa, bắp… Qua đó, xây dựng kế hoạch để thực hiện các chuỗi giá trị, chú trọng hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các nhóm sở thích; triển khai thí điểm nhiều mô hình kỹ thuật mới trong chăn nuôi, giúp người nghèo cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững. Theo đó, toàn xã đã thành lập được 12 nhóm cùng sở thích ở các thôn, gồm: 7 nhóm sở thích nuôi bò, 4 nhóm nuôi cừu sinh sản, 1 nhóm trồng lúa giống, với 149 thành viên tham gia, trong đó có 101 hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo và 64 hộ thành viên phụ nữ.

 
Nhóm sở thích chăn nuôi bò tại thôn 3.

Để dự án mang lại hiệu quả cao, Ban Phát triển xã đã tập trung hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, đã hỗ trợ 68 con bò thịt và bò giống, 186 cừu giống, xây dựng trên 60 chuồng trại, hỗ trợ 4 tấn lúa giống, phân bón cho 1 nhóm sở thích sản xuất lúa giống với tổng trị giá 1,3 tỷ đồng. Ban Phát triển xã hỗ trợ các nhóm xây dựng quy chế quản lý và kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo định hướng thị trường. Phối hợp với DASU huyện mở 19 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, trong đó tập trung vào các chuỗi giá trị bò, cừu, dê, lúa, mãng cầu, táo, nhờ đó hoạt động của các nhóm sở thích ngày càng phát huy được hiệu quả.

Thông qua hoạt động của các nhóm sở thích, nông dân địa phương được tiếp cận với phương thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh và từng bước phát huy được hiệu quả trong phát triển kinh tế. Ông Trịnh Văn Phước, Trưởng nhóm sở thích chăn nuôi bò thôn 3, cho hay: Từ khi tham gia dự án, các thành viên trong nhóm đã thay đổi được tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, giảm bớt rủi ro nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng bền vững và lâu dài, thu nhập của các hộ thành viên trong nhóm cũng tăng so với trước.

Nét nổi bật trong thực hiện dự án phục vụ chuỗi giá trị vì người nghèo tại xã Nhị Hà, đó là Ban Phát triển xã đã chủ động liên hệ, tạo được sự liên kết sản xuất giữa các nhóm với doanh nghiệp. Đến nay, các nhóm sở thích đã xây dựng được mối liên kết với Trang trại chăn nuôi bò Long Hoàng, HTX DV TH Nông nghiệp Nhị Hà, HTX DV TH Nông nghiệp-chăn nuôi Tân Hà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nông dân tham gia vào thị trường. Về đầu tư kết cấu hạ tầng, thông qua nguồn vốn Quỹ CDF, xã đã thi công và đưa vào sử dụng 2 chợ ở thôn Nhị Hà 2 và 3, mở rộng mái che chợ thôn 2, với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng; bê-tông 3 tuyến đường nội đồng Bà Sa 1, 2 và Thị Đội, với tổng chiều dài trên 1.000m; 2 tuyến đường nội thôn Nhị Hà 1 với chiều dài 563m; nâng cấp tuyến đường nội đồng Sông Trăng, với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển các chuỗi giá trị.

Bà Vũ Như Sơn cho biết thêm: Qua 5 năm triển khai thực hiện các chương trình, hợp phần của Dự án HTTN đã tạo cho địa phương một nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững. Để dự án ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới, xã tăng cường củng cố và duy trì hiệu quả hoạt động của các nhóm sở thích; đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ các nhóm sở thích tiếp cận thị trường, tìm đầu ra ổn định cho các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, giúp các hộ nghèo, cận nghèo tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.