Theo báo cáo của Ban hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện Bác Ái, tính đến cuối năm 2015, DASU huyện đã tiếp nhận 39 hồ sơ đề xuất hỗ trợ tham gia vào quỹ CSG của 7/9 xã tại địa phương. Chủ yếu tập trung vào phát triển các chuỗi giá trị: bò vỗ béo, dê, cừu, heo đen, heo trắng, gà, lúa nước và bắp lai. Hội đồng xét tuyển quỹ CSG huyện đã phân ra làm 2 đợt xét tuyển. Đợt 1 có 6/11 hồ sơ đề xuất được chấm điểm đạt yêu cầu với kinh phí 831 triệu đồng; trong đó, vốn dự án hỗ trợ 576 triệu đồng, vốn đối ứng của các tổ nhóm là 255 triệu đồng. Đợt 2 có 16/28 hồ sơ đề xuất được chấm điểm đạt yêu cầu với kinh phí: 2,157 tỷ đồng, trong đó vốn dự án hỗ trợ 1,568 tỷ đồng, vốn đối ứng của các tổ nhóm là 589 triệu đồng. Đến nay, hầu hết các hồ sơ đề xuất hỗ trợ đã được giải ngân 100%.
Dê sinh sản ở thôn Đá Ba Cái, xã Phước Thành đang phát triển tốt.
Qua đánh giá sơ bộ, do số lượng và quy mô các tổ nhóm sản xuất, chăn nuôi tại huyện Bác Ái còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đủ tiềm năng liên kết với các doanh nghiệp lớn, nên chỉ bước đầu liên kết được với một số vựa, cơ sở, trang trại nhỏ và vừa, qua triển khai các đơn vị liên kết đã tiến hành cung cấp cây, con giống cho tổ nhóm. Tính đến nay, DASU huyện đã liên kết cung cấp hỗ trợ 35 con bò vỗ béo, 280 con dê và 129 con cừu cho các tổ, nhóm về chăn nuôi và phát triển. Tổng số hộ được hưởng lợi tham gia từ quỹ CSG là 339 hộ. Trong đó có 147 hộ nghèo, 112 hộ cận nghèo, 267 phụ nữ, 254 hộ dân tộc thiểu số; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 76,4%.
Theo ông Lê Nhượng, Phó trưởng ban phụ trách DASU huyện Bác Ái, song song với việc hỗ trợ giải ngân cung cấp con giống cho các tổ nhóm, DASU huyện còn kết hợp với các đơn vị liên quan như: khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật…về tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn để việc sản xuất trồng trọt và chăn nuôi của các nhóm đạt hiệu quả. Đồng thời, các Ban phát triển các xã cũng đã lựa chọn 31 nông dân sản xuất giỏi, tiêu biểu của địa phương đưa vào làm nhóm trưởng, nhóm phó các tổ, để việc truyền đạt kinh nghiệm trong sản xuất giữa các hộ nông dân dễ dàng và thiết thực hơn. Đây được xem là cách làm rất hợp lý với một địa phương miền núi và có đông bào dân tộc thiểu số như Bác Ái.
Mặc dù chỉ mới hình thành và triển khai bước đầu nhưng mức độ tác động của quỹ CSG đến với người dân trên địa bàn huyện cũng đã cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan. Đặc biệt là sự tích cực hưởng ứng từ các tổ, nhóm được hỗ trợ để phát triển chăn nuôi. Qua theo dõi đánh giá của cán bộ DASU huyện, đến nay, hầu hết các tổ nhóm chăn nuôi dê, cừu tại những xã tham gia vào quỹ CSG đều đã phát triển số lượng đàn lên nhiều hơn trước và chất lượng con giống cũng được nâng cao so với cách nuôi truyền thống trước đây của bà con. Trong đó có thể kể đến một số nhóm nổi bật như: nuôi cừu sinh sản ở thôn Đồng Dày (Phước Trung) do ông Katơ Tân làm trưởng nhóm; nhóm nuôi dê sinh sản ở Đá Ba Cái (Phước Thành) do ông Võ Đình Hòa làm trưởng nhóm; hay nhóm nuôi dê sinh sản ở hai thôn Rã Giữa và Tham Dú (Phước Trung)…
Theo kết quả khảo sát đánh gia mới nhất của DASU huyện, qua triển khai đợt 1 hoạt động của quỹ CSG thì tỷ lệ nhóm có khả năng phát triển và mở rộng số lượng thành viên của tổng số nhóm tham gia là trên 50%. Điều này cho thấy, tác động bước đầu của quỹ CSG là rất đáng ghi nhận. Một khi các nhóm chăn nuôi mở rộng phát triển thì số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Bác Ái được tiếp cận và hưởng lợi sẽ ngày càng nhiều, như vậy mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân nông thôn của dự án sẽ càng sớm trở thành hiện thực.
Nguyễn Anh