Từ thực tế của địa phương và dựa trên định hướng các chuỗi giá trị phát triển của Dự án HTTN huyện, năm 2015, Phước Tiến đã khảo sát và thành lập 1 nhóm cùng sở thích trồng cà pháo chuyên canh ở thôn Suối Đá với 7 hộ tham gia (5 hộ nghèo và 2 hộ trung bình). Tháng 1-2016, nhóm đã được Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) hỗ trợ 70 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng cà pháo trên diện tích hơn 2 ha.
Các thành viên nhóm sở thích trồng cà pháo chuyên canh thu hoạch sản phẩm.
Ngoài nguồn vốn trên, nhóm còn thành lập Quỹ tiết kiệm trồng cà pháo, mỗi tháng đóng góp 150.000 đồng/thành viên, giúp các thành viên trong nhóm có thêm vốn để phát triển mô hình. Nhằm phát huy tính cộng đồng, gắn kết chặt chẽ các thành viên với nhau, nhóm xây dựng quy chế, thường xuyên tổ chức họp bàn, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cà pháo theo mô hình. Trong quá trình triển khai, nhóm được DASU huyện mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh trên cây cà pháo… và được đi tham quan học hỏi kỹ thuật trồng cà pháo ở các địa phương trong tỉnh.
Anh Nguyễn Thành Tâm, Trưởng nhóm cùng sở thích trồng cà pháo thôn Suối Đá, cho biết: Dựa trên định hướng và tìm hiểu thông tin về nhu cầu thị trường, nhóm đã thống nhất canh tác theo hình thức “tổ hợp tác”, thay vì làm riêng lẻ, từng hộ gia đình sẽ liên kết nhau tìm đầu ra cho sản phẩm. Lợi ích của canh tác theo hướng này là các thành viên được tiếp cận với phương thức canh tác mới, được hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng đúng quy trình sản xuất nên năng suất cà pháo sẽ đạt cao. Nhờ liên kết, hợp tác với nhau trong quá trình sản xuất, chỉ sau 6 tháng triển khai, đến nay có thể nói mô hình trồng cà pháo phát triển khá bền vững, mang lại nguồn thu nhập tương đối cao cho nhiều hộ gia đình.
Theo anh Nguyễn Thành Tâm, cây cà pháo rất dễ trồng, kháng được nhiều loại sâu bệnh, có đặc tính là dù sống được ở những vùng đất kém dinh dưỡng vẫn cho năng suất cao. Trồng cà pháo chỉ cần lên luống cao từ 20-25cm, phủ bạt trên luống và trồng theo hàng với mật độ thích hợp là cây phát triển. Đặc biệt, cây cà pháo không cần nhiều công chăm bón, chỉ cần đất ẩm ướt là có thể phát triển và đậu nhiều trái. Thời gian từ khi xuống giống đến khi thu hoạch là 2 tháng, sau đó việc thu hoạch kéo dài khoảng 1 năm mới trồng lại. Hiện nay, cứ 5 ngày nhóm cùng sở thích trồng cà pháo thôn Suối Đá thu hoạch 1 lần với năng suất trung bình từ 1,5-1,7 tấn cà pháo. Sản phẩm thu hoạch được thương lái vào tận vườn thu mua với giá dao động 6.000-8.000 đồng/kg, qua đó mỗi tháng nhóm đạt doanh thu trên 70 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mỗi thành viên có lãi từ 4-5 triệu đồng. Cũng theo anh Tâm, trước hiệu quả bước đầu của mô hình trồng cà pháo chuyên canh mang lại, trong thời gian tới, nhóm tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 2 ha nữa và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Nhóm dự kiến kết nạp thêm 5-7 thành viên mới để tiến tới thành lập tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và từng bước xây dựng thương hiệu cho cây cà pháo. Qua đó, góp phần giúp các thành viên nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước giảm nghèo.
Đồng chí Chamaléa Thiện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Tiến, cho biết: Hiện nay, xã đang tìm thêm nguồn hỗ trợ mở rộng diện tích trồng cây cà pháo. Theo hướng giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, địa phương khuyến khích và tạo điều kiện nhân rộng mô hình trồng cà pháo ra các thôn khác, đồng thời xúc tiến tìm kiếm thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Tiến Mạnh