Theo đánh giá của Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện Thuận Bắc (DASU), qua 5 năm triển khai thực hiện, những hoạt động của dự án đã thực sự đem lại cơ hội cho các hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận kỹ thuật từ các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp thông qua những lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi, qua đó áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn và đã mang lại kết quả khả quan. Mức thu nhập từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của các hộ tham gia vào dự án tính đến cuối năm 2015 cao hơn hẳn so với thời kỳ đầu dự án (năm 2011). Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy từ những kết quả đạt được bước đầu sẽ là nền tảng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ nghèo và cận nghèo sau này.
Chuỗi giá trị dê sinh sản, một trong những sản phẩm được đánh gia mang lại thu nhập khá cho vùng dự án Thuận Bắc.
Qua đánh giá, hai trong số ba hợp phần quan trọng đã mang lại hiệu quả và đang tiếp tục được đẩy mạnh trên vùng dự án huyện Thuận Bắc là hợp phần 2: Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo và hợp phần 3: Xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH có sự tham gia theo định hướng thị trường. Từ tác động hỗ trợ và định hướng của hai hợp phần trên, tính đến tháng 5-2016, toàn huyện đã thành lập và phát triển được 36 tổ, nhóm liên kết hoạt động phát triển các ngành hàng, chuỗi giá trị thế mạnh của địa phương như: dê, cừu, bò, chuối... Trong đó, có 21 nhóm nuôi bò, 8 nhóm nuôi dê, 5 nhóm nuôi cừu, 1 nhóm trồng chuối và 1 nhóm nuôi heo đen; với tổng số thành viên tham gia là 476 hộ. Trong đó, đối tượng hộ phụ nữ: 145 người, chiếm 30,46%; hộ nghèo: 273 người, chiếm 57,35%; hộ cận nghèo: 104 hộ, chiếm 21,85%; hộ dân tộc thiểu số 404 hộ, chiếm 84,87%. Ngoài việc hỗ trợ thành lập các tổ, nhóm chung sở thích, dự án cũng đã trực tiếp hỗ trợ con giống, triển khai tập huấn và tạo bước kết nối giữa hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số với các cơ hội trên thị trường để nâng cao chất lượng gói sản phẩm và thu nhập làm ra của nông dân.
Kết quả qua 5 năm triển khai các hợp phần của Dự án HTTN cho thấy, các chuỗi giá trị sản phẩm được dự án hỗ trợ có doanh thu tăng 20% so với năm đầu dự án, trong đó có chuỗi giá trị tăng lợi nhuận do tăng giá hoặc tăng sản lượng. Cụ thể: Đối với nhóm sản phẩm (cừu, dê) có diễn biến khá tốt về giá và giá trị lợi nhuận, các sản phẩm này đều có lợi nhuận gia tăng trên, dưới 20%; đối với sản phẩm (bò) mức giá được nhận định khá ổn định trong vòng vài năm qua đối với thị trường chung tại địa phương. Tính đến năm cuối kỳ của dự án, có 50% thành viên tổ nhóm tham gia vào phát triển chuỗi giá trị hàng hóa tăng thu nhập 25%. Theo đánh giá khảo sát thường niên trong năm 2016, cho thấy tỷ lệ hộ nghèo tham gia nhóm sở thích đến cuối năm 2015 là 35,6%, tăng hơn 28,6% so với năm 2014; hộ dân tộc thiểu số trong vùng dự án đăng ký tham gia vào các nhóm sở thích để hưởng lợi là 63%, cao hơn 27,8% so với năm 2014. Cũng qua khảo sát thực tế từ Ban phát triển các xã, có đến 60% hộ gia đình tham gia dự án cho biết thu nhập tăng từ 20-25% sau khi tham gia các nhóm sở thích. Đặc biệt hơn, mức tăng thu nhập nhiều nhất thuộc về các hộ thành viên nữ và hộ dân tộc thiểu số.
Theo đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Ban DASU huyện Thuận Bắc, đa số người dân tham gia vào dự án là người đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống khó khăn và các hộ nghèo, cận nghèo, nhưng sau khi tham gia vào dự án, cuộc sống của người dân đã từng bước được cải thiện rõ rệt. Đây rõ ràng là cơ hội để các hộ còn khó khăn tại địa phương tích cực tham gia vào các hoạt động của dự án, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Qua 5 năm triển khai thực hiện, các chỉ số hộ nghèo và cận nghèo tại địa phương đã có hướng thay đổi tích cực hằng năm và đạt chỉ tiêu giảm từ 1,2-1,5%/năm theo mục tiêu đề ra.
Nguyễn Anh