DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Tổ nuôi heo đen Suối Đá với vấn đề nâng chất lượng con giống

(NTO) Là một trong ba xã thuộc vùng dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) huyện Thuận Bắc, Lợi Hải có 6 thôn (Suối Đá, Ấn Đạt, Bà Râu 1, Bà Râu 2, Kiền Kiền 1, Kiền Kiền 2) với dân số gần 12.000 người, trong đó có đến 82% là đồng bào dân tộc Raglai.

Căn cứ thực tế địa phương, Ban Phát triển xã Lợi Hải đã xác định 2 chuỗi giá trị sản phẩm (bò, heo đen) và tiến hành thành lập 3 tổ nhóm đồng sở thích (có chung lợi ích), bao gồm 2 nhóm chăn nuôi bò tại 2 thôn Ấn Đạt, Bà Râu 2 và 1 nhóm nuôi heo đen ở thôn Suối Đá (mỗi thôn có 1 tổ, mỗi tổ có 20 thành viên).

Heo đen nuôi trong chuồng tại nhà chị Pi-năng Thị Trệ, thành viên tổ nuôi heo đen thôn Suối Đá.

Riêng việc nuôi heo đen thương phẩm, tuy chỉ phát triển trong những năm gần đây, nhưng đã có một số hộ dân Ragalai trong xã biết áp dụng phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi mới và đang có đầu ra ổn định, đặc biệt là ở thôn Suối Đá. Theo ông Patâuxá Thị, Trưởng thôn Suối Đá, trong tổng số 435 hộ, với gần 2020 dân trong thôn, đã có trên 90% hộ dân có chăn nuôi heo. Thấy được ưu điểm vượt trội của heo đen, vì là giống bản địa đã quen với khí hậu và địa hình, Dự án HTTN đã hỗ trợ gần 21 triệu đồng cho 20 hộ trong tổ nhóm ở thôn Suối Đá làm chuồng nuôi. Có thể nói việc bổ sung xác định chuỗi giá trị heo đen là một hướng đi triển vọng vì nguồn lực đầu tư không lớn, heo đen dễ nuôi và việc hưởng lợi cũng nhanh chóng hơn, người dân có cơ hội thoát nghèo bền vững từ sản phẩm này. Vừa qua cũng từ nguồn vốn Dự án HTTN tỉnh, Lợi Hải đã chuyển giao heo đen (mỗi hộ thành viên 6 con) cho tổ nuôi heo đen, cụ thể có 120 con heo giống được hỗ trợ cho 20 hộ.

Tuy nhiên do thời tiết bất lợi và chất lượng giống hỗ trợ thấp nên heo đen ở Suối Đá nuôi một thời gian ngắn đã có hiện tượng hao hụt dần do chết. Các hộ nuôi như Pi-năng Huống, Chamaléa La, Patâu Axá Kớn, Chamaléa Thân đều có heo bệnh chết từ 2-3 con. Chị Pi-năng Thị Trệ, một hộ nuôi heo đen của dự án kể: “Để mua con giống, mỗi hộ phải đóng 780 ngàn đồng. Nếu nói heo chết bởi ảnh hưởng thời tiết là chưa chính xác, bởi heo đen nuôi của các hộ thuộc các dự án khác vẫn phát triển bình thường với cùng nguồn thức ăn như nhau”. Đàn heo của gia đình chị vẫn còn đủ 6 con nhưng không hề có dấu hiệu tăng trưởng. Thông thường heo đen nuôi chỉ trong vòng 6 tháng có trọng lượng 20 kg là bán thịt được, nhưng heo của chị Pi-năng Thị Trệ đã ngót 4 tháng chăm sóc mà chỉ cỡ 8 kg/con. Theo các hộ trong tổ nhóm nuôi heo đen thôn Suối Đá, nguyên nhân heo chết hoặc nuôi không lớn là vì chất lượng giống. Heo con khi giao về cho các hộ đang thời kỳ bú mẹ còn quá non, chưa biết ăn, nên thực tế ngay từ lúc đầu bà con đã có ý kiến bất đồng. Chị Tapu Thị Trưng, cán bộ phụ nữ thôn Suối Đá chia sẻ: “Heo đen nuôi ở rất nhiều hộ trong thôn chỉ sau 5 tháng đã gần đẻ, vì vậy đối với các hộ trong tổ nhóm này, vấn đề nâng chất lượng con giống là biện pháp khắc phục thiết thực nhất”.

Theo ông Patâuxá Thị, mới đây đoàn cán bộ của Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh và Ban Hỗ trợ kinh doanh Nông nghiệp huyện đẽ đến khảo sát hiện trạng để có hướng hỗ trợ giải quyết. Có thể nói dù xảy ra sự cố về con giống, thực tế heo đen vẫn là chuỗi giá trị có nhiều ưu thế, trong đó rõ nhất là ưu thế tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có để nuôi. Vì vậy, sau khi rút kinh nghiệm về chuyển giao con giống và được hỗ trợ tiếp từ dự án, chắc chắn người dân trong tổ nhóm nuôi heo đen Suối Đá sẽ biết liên kết sản xuất, tạo dựng giá trị kinh tế bền vững và lâu dài nhằm thoát nghèo bền vững.