Bước đầu Dự án HTTN đang dần giải quyết các nhu cầu của người dân tộc thiểu số, người nghèo, bổ sung cho các hoạt động được đề ra trong tiến trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 ở tỉnh ta.
Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2014.
Theo anh Nguyễn Văn Truyền, Giám đốc Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh, bên cạnh việc hưởng lợi từ các cơ hội thị trường sinh lời và bền vững, dự án còn tạo điều kiện cho các xã đề ra mục tiêu thực hiện có hiệu quả kế hoạch hằng năm về đầu tư công cho phát triển nông thôn vì người nghèo, dựa trên nhu cầu, theo định hướng thị trường. Cụ thể qua thực hiện chuỗi giá trị, ngoài 8 chuỗi (Dê, bò, cừu, heo đen, táo, nho, tỏi, chuối) đã được xác định, dự án còn xác định thêm 12 chuỗi tiềm năng như: Gà, vịt, hàu, cá mú, trâu, hành tím, lúa, khoai mì, mía, bắp, mít, tre lấy măng. Hiện tại, 27 xã vùng Dự án HTTN tỉnh ta đã thành lập 148 nhóm cùng lợi ích (kể cả củng cố lại các nhóm có trước), trong đó lĩnh vực chăn nuôi có 73 nhóm nuôi bò, 6 nhóm nuôi dê, 5 nhóm nuôi cừu, 5 nhóm nuôi heo đen, 4 nhóm nuôi gà, 2 nhóm nuôi vịt; lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có 1 nhóm nuôi cá mú, 1 nhóm nuôi hàu; lĩnh vực trồng trọt có 14 nhóm trồng táo, 4 nhóm trồng tỏi, 3 nhóm trồng nho, 11 nhóm trồng hành tím, 4 nhóm trồng lúa, 6 nhóm trồng khoai mì, 3 nhóm trồng mía, 2 nhóm trồng bắp, 2 nhóm trồng chuối, 1 nhóm trồng đậu xanh và lĩnh vực khác có 1 nhóm thủ công mỹ nghệ. Trên cơ sở đó, từ nguồn lực dự án, đã hỗ trợ hàng trăm con giống, hàng chục thiết bị vật tư nông nghiệp cho các nhóm chung lợi ích để phát triển các chuỗi bò, táo, heo đen, dê, cừu... Đặc biệt về hạ tầng nông thôn, thực hiện Hợp phần 3 (Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cấp xã theo định hướng thị trường), trong năm 2013 các Ban Phát triển xã tiến hành thi công xong 48 công trình giao thông, 10 công trình thủy lợi, 1 công trình nâng cấp chợ (Quảng Sơn) và 8 công trình cơ sở hạ tầng sản xuất phục vụ chuỗi giá trị.
Theo kế hoạch của Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh, dự kiến năm nay sẽ có 100,6 tỷ đồng của dự án giải ngân, tương đương 4,79 triệu USD, ngoài 81% vốn vay IFAD (Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế) và 9% vốn đối ứng của Chính phủ, còn lại 10% là đóng góp của người hưởng lợi. Căn cứ vào đó, Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh đề ra Chiến lược trọng tâm năm 2014 của Dự án là đẩy nhanh tiến độ, tăng cường tính hiệu lực và tính hiệu quả của Dự án; hỗ trợ người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào thị trường lao động, thị trường hàng hoá để tạo thu nhập bằng cách tăng cường nhận thức về cơ hội thị trường. Theo đó sẽ phân cấp mạnh cho các huyện, xã; tăng cường vai trò điều phối của Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh và đơn vị chủ trì hợp phần, có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đồng thực thi; tăng cường tính hiệu quả và bền vững về giảm nghèo thông qua hoạt động các hợp phần của dự án. Đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công xây dựng hạ tầng kịp thời theo kế hoạch, Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh tích cực tham mưu giảm bớt các thủ tục về đầu tư thuộc Quỹ phát triển cộng đồng. Mặt khác sẽ chú trọng thực hiện chủ trương lồng ghép các chương trình, dự án có đầu tư trên địa bàn 27 xã, mục tiêu chung là hướng đến góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp trọng tâm, trước hết là triển khai nhanh các hạng mục đầu tư được phê duyệt trong năm 2014 để thúc đẩy phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và các công trình phục vụ chuỗi giá trị. Kế đến là hỗ trợ các trang thiết bị và hạ tầng cho các nhóm chung sở thích để tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt chú ý nâng cao năng lực cho Ban Phát triển xã để làm quen với các thủ tục đấu thầu cạnh tranh và mạnh dạn áp dụng phương pháp đấu thầu cộng đồng đối với các công trình xây dựng hạ tầng nông thôn.
Bạch Thương