Quy hoạch sau khi được duyệt đã được công bố rộng rãi giúp người dân trong xã biết được những định hướng lớn về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương từ đó góp phần cùng chính quyền địa phương giám sát, thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2013, tiếp tục triển khai lập quy hoạch cho tiết (khu trung tâm xã; xây dựng điểm dân cư hoặc chỉnh trang khu dân cư xã; vùng sản xuất nông nghiệp và hạ tầng khu sản xuất xã). Theo đó, đến nay có 33/47 xã đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã.
Niềm vui được mùa. Ảnh: Văn Miên
Điều rất đáng ghi nhận là qua đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới một trong những kết quả khá rõ nét đó là đã thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho đa số các nông hộ. Để làm được điều đó, thời gian qua Ban chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp chú trọng đến việc tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy lợi thế từng vùng để hình thành các vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong quy hoạch chung, dựa vào điều kiện tự nhiên và các điều kiện khác, mỗi xã đều định hướng cụ thể các vùng sản xuất, lựa chọn các loại cậy trồng, vật nuôi phù hợp để tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phù hợp. Cụ thể như từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ 2,54 tỷ đồng cho 11 xã điểm xây dựng các mô hình sản xuất: sản xuất lúa nguyên chủng, sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm”, sản xuất bắp lai, hành tím, ... ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ chương trình xây dựng nông thôn mới, các ngành, các cấp còn lồng ghép các chương trình, dự án khác hỗ trợ thực hiện. Thông qua các mô hình đã chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho người dân để ứng dụng vào sản xuất. Một số mô hình thực hiện đạt kết quả và được nhân rộng như: Mô hình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm”, mô hình VietGAP trên cây nho, mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình tưới nước tiết kiệm, mô hình xây dựng hầm Biogas, mô hình máy dò ngang – góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho các nông hộ. Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, trong 3 năm qua đã có gần 36.000 hộ dân và doanh nghiệp vay hơn 3.775 tỷ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn.
Khâu tổ chức sản xuất ở nông thôn cũng được chú trọng. Ngoài mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đang được chính quyền các cấp quan tâm củng cố và phát triển, nhiều địa phương còn xây dựng các mô hình mới như: Tổ đoàn kết sản xuất khai thác hải sản; liên minh sản xuất (mía, gạo, ngô giống, hành, tỏi...). Thông qua các tổ chức sản xuất này đã hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm, thông tin... cho các thành viên, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch và liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm…
Tính đến nay, trên địa bàn 47 xã đã có 53 trang trại, 982 Tổ hợp tác, 12 liên minh sản xuất, 37 tổ đoạn kết sản xuất với 158 tàu cá tham gia, 35 hợp tác xã, trong đó có 34 Hợp tác xã nông nghiệp và 1 hợp tác xã ngư nghiệp.
Song song với thúc đẩy sản xuất phát triển, công tác tập huấn, đào tạo nghề cho nông dân cũng được thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo thống kê, số lao động nông thôn được học nghề trong 3 năm (2010-2012) là 12.274 người, vượt 10% kế hoạch, trong số này đã có trên 8.770 người đã học xong và có việc làm chiếm tỷ lệ 71,1%. Tổng kinh phí thực hiện đề án trong 3 năm (2010-2012) trên 56,59 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương trên 53,6 tỷ đồng…
Từ những cách làm tích cực như đã nêu trên, theo số liệu thống kê, thu nhập bình quân đầu người khu vực mông thôn tăng từ 11,96 triệu đồng/người/năm năm 2010 lên 14,81 triệu đồng/người/năm năm 2012. Đây cũng là tiền đề để đạt kết quả cao hơn trong những năm tới.
Tuấn Dũng