Xây dựng nông thôn mới ở Bác Ái

(NTO) Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bác Ái đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, do đặc thù của một huyện miền núi có hơn 95% là dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và các nguồn hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước nên việc triển khai xây dựng NTM tại địa phương vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Ngay từ khi triển khai Chương trình xây dựng NTM, Ban chỉ đạo NTM huyện đã tham mưu cho UBND huyện lồng ghép các chương trình, dự án khác như Chương trình 30a, 135, tam nông… một cách hiệu quả từ công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, giáo dục, y tế…Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình, có thể thấy rõ những đổi thay đáng mừng của địa phương. Kết cấu hạ tầng như hệ thống điện, đường, trường, trạm từng bước được đầu tư, nâng cấp giúp nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

 
Trồng bắp lai thương phẩm, một trong những mô hình đang mang lại hiệu quả cho người dân Bác Ái.

Ước tính từ khi triển khai chương trình NTM đến nay, toàn huyện đã và đang đầu tư xây dựng, tu bổ được khoảng 48 hạng mục công trình chủ yếu phục vụ dân sinh và hỗ trợ xây dựng hơn 1.600 căn nhà thuộc Chương trình 167 cho hộ nghèo, với tổng kinh phí gần 133 tỷ đồng. Trong lĩnh vực kinh tế, huyện cũng đã triển khai được hàng chục dự án, mô hình phát triển sản xuất lớn, nhỏ. Qua đánh giá, nhiều mô hình sản xuất thí điểm đã mang lại hiệu quả cao, tạo ra sản phẩm hàng hoá tại địa phương như: Thâm canh lúa nước, bắp lai thương phẩm, trồng chuối sứ trên đất gò đồi, nuôi heo núi…Qua đó, đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, mặt bằng dân trí thấp, đời sống bà con còn rất nhiều khó khăn...nên việc triển khai thực hiện một số tiêu chí xây dựng NTM ở Bác Ái gặp không ít khó khăn. Tính đến thời điểm hiện nay, 9/9 xã trên địa bàn huyện đã được phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng xã NTM, nhưng mới chỉ có xã Phước Đại, Phước Tiến, Phước Thắng và Phước Trung cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết về cụm dân cư khu vực trung tâm xã, riêng xã Phước Đại đang hoàn thiện quy hoạch chi tiết về sản xuất, sử dụng đất. Việc triển khai thực hiện các tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội như xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, nhà ở…vẫn còn khá chậm. Các tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hóa…dù đã có sự đầu tư nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Bác Ái, tính đến nay toàn huyện mới chỉ có xã Phước Đại đạt được 6 tiêu chí ; 3 xã Phước Thắng, Phước Bình và Phước Chính đạt được 3 tiêu chí; còn lại các xã khác mới chỉ đạt 1 đến 2 tiêu chí. Theo ông Lê Văn Việt, cán bộ phụ trách chương trình NTM của huyện: dù đạt được một số kết quả trong công tác xây dựng NTM nhưng các chương trình dự án khi triển khai vẫn còn khá chậm do thiếu vốn. Thêm nữa, Bác Ái có nguồn thu ngân sách địa phương thấp, lại rất khó huy động nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp dẫn đến việc hoàn thành các tiêu chí về NTM tại các xã trên địa bàn huyện rất khó khăn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tiêu chí mà huyện Bác Ái đang băn khoăn nhất hiện nay là tiêu chí về cơ cấu lao động, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập và nhà ở dân cư. Toàn huyện hiện có số hộ nghèo chiếm tỷ lệ đến 40%, mức thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt từ 3,8 đến 4,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ lao động có trình độ cao rất thấp…Điển hình như tại xã Phước Đại, địa phương nằm trong 11 xã điểm của tỉnh phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM giai đoạn 2011 – 2015, dù đã được 6/19 tiêu chí nhưng đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn trên 35%, thu nhập bình quân cũng chỉ đạt mức trên 4 triệu đồng/năm/người, qua đó có thể thấy rõ xã Phước Đại khó mà hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2015.

Thực hiện chương trình NTM trong năm 2013, Bác Ái phấn đấu đến cuối năm xã điểm Phước Đại sẽ đạt từ 9 tiêu chí trở lên, các xã còn lại sẽ đạt từ 5 đến 8 tiêu chí. Để đạt được mục tiêu trên, huyện đề ra các giải pháp tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để xây dựng NTM. Song song đó là đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; triển khai nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để nâng cao thu nhập của người dân. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, để thực hiện được chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Bác Ái rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các cấp, ngành trong tỉnh và Trung ương.