DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác định chuỗi giá trị sản phẩm và chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng

(NTO) Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ dự án, hiện nay Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, các đơn vị chủ trì, thực thi dự án và đơn vị liên quan đang tập trung thực hiện xác định chuỗi giá trị sản phẩm và hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Anh Nguyễn Văn Truyền, Giám đốc Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, cho biết: Theo kế hoạch, trong tháng 5, các xã phải xong toàn bộ thủ tục chuẩn bị đầu tư để tháng 6 bắt đầu triển khai.

Hộ ông Chamaléa Tá áp dụng kỹ thuật chăm nuôi bò vỗ béo. Ảnh: Diễm My

Đối với việc xác định chuỗi giá trị sản phẩm, trước mắt Ban Điều phối Dự án tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị chủ trì thực hiện Hợp phần 2) và Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp các huyện chỉ đạo các xã xác định ngay và cụ thể các chuỗi giá trị sản phẩm theo địa bàn (thôn, xóm), chậm nhất là ngày 10-6 phải hoàn thành gửi về Ban Điều phối Dự án tỉnh. Việc hoàn thành xác định chuỗi giá trị cho phù hợp đặc thù, thế mạnh của từng địa bàn xã là điều kiện quyết định để Ban Điều phối Dự án tỉnh có hướng hỗ trợ cho các hộ nghèo tham gia vào chuỗi giá trị. Hiện nay Ban Điều phối Dự án tỉnh đã xác định 6 chuỗi giá trị (táo, nho, tỏi, bò, dê, cừu) và đang phân tích 2 chuỗi giá trị (heo đen và chuối). Để khắc phục tình trạng xác định chuỗi giá trị còn chung chung, chưa có kết nối với các doanh nghiệp, Ban chỉ đạo Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh yêu cầu các xã lựa chọn 1 hoặc 2 sản phẩm trong 8 chuỗi giá trị sản phẩm đã được xác định và việc hỗ trợ cũng không nhất thiết cho tất cả các khâu, mà chỉ hỗ trợ những khâu nào trọng yếu của chuỗi giá trị sản phẩm.

Từ việc xác định chuỗi giá trị sản phẩm, các thôn, xã bám sát thực tế và dựa trên cơ sở quy hoạch thuộc Chương trình nông thôn mới, tiến hành thành lập các tổ, nhóm cùng lợi ích, tổ hợp tác và dự kiến trong tháng 6 đi vào hoạt động giúp người dân vùng dự án được hưởng lợi theo mục tiêu của dự án. Theo anh Vũ Thái Tuấn, Phó Giám đốc Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, đến nay trong 27 xã vùng dự án đã thành lập 54 tổ nuôi bò giống (mỗi xã có 2 tổ); 15 nhóm trồng táo, với 6 nhóm ở xã Phước Vinh, 7 nhóm thuộc xã An Hải (Ninh Phước), 1 nhóm tại xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) và 1 nhóm ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải); 3 nhóm nuôi heo đen (30 hộ) ở các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc, Bác Ái, mỗi huyện chọn 1 xã có lợi thế nhất. Từ các tổ, nhóm này, thông qua Quỹ Phát triển cộng đồng của Ban Phát triển xã, Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh sẽ hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật theo phương thức vốn dự án 80%, vốn đối ứng người dân 20%. Các hạ tầng kỹ thuật bao gồm thuỷ lợi nhỏ, chuồng trại, hố xí biogas, máy móc sản xuất, thiết bị chế biến... tuỳ theo các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng công và hạ tầng sản xuất, theo anh Nguyễn Văn Truyền, đây là nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh đang nỗ lực triển khai, phối hợp với Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp các huyện trình duyệt các thủ tục sử dụng Quỹ Phát triển cộng đồng. Theo đó, các xã phải nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản đối với các công trình hạ tầng công và hạ tầng sản xuất phục vụ sản xuất, có tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định. Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp các huyện chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh về lập danh mục từng công trình đường nội thôn, đường nội đồng, kênh mương...trên từng địa bàn thôn, xã. Trước mắt, trong tháng 6, Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh chọn huyện Ninh Hải triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng để rút kinh nghiệm.