DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Tăng cường năng lực thể chế để thực hiện "Nghị quyết Tam nông"

(NTO) Tăng cường năng lực thể chế để thực hiện "Nghị quyết Tam nông" là tiêu đề của hợp phần 1, một trong ba hợp phần của Dự án Hỗ trợ Tam nông.

Hợp phần do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện, gồm có các nội dung chính như: Quản lý kinh tế theo định hướng thị trường; thể chế hóa quy trình xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội có sự tham gia của cộng đồng, dựa trên kết quả, theo định hướng thị trường; phát triển và hợp tác với khu vực tư nhân trong nông nghiệp và phát triển nông thôn; tăng cường hợp tác giữa các bên tham gia nhằm thực hiện chiến lược tam nông.

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) Chăm sóc cây hành. Ảnh: Văn Miên

Năm 2012, Dự án chủ yếu tập trung vào công tác xây dựng năng lực cho cán bộ các đơn vị thực thi dự án ở các cấp và hoàn thành các công tác chuẩn bị thực hiện các hoạt động Dự án cho những năm tiếp theo. Ban Điều phối Dự án tỉnh đã hoàn thành việc lập tổ chức bộ máy dự án cấp tỉnh, huyện, 27 xã và 143 thôn thuộc dự án; tổ chức thành công hội nghị khởi động dự án và đăng cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai Dự án Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD); xây dựng được 8 loại sổ tay hướng dẫn thực hiện của Dự án, đồng thời tổ chức 39 đợt tập huấn cho 1.622 lượt người; hoàn tất công tác điều tra số liệu cơ bản đầu kỳ tại 30 thôn trong vùng dự án và 10 thôn đối chứng ngoài vùng dự án. Thực hiện hợp phần 1, Ban Điều phối Dự án tỉnh đã tổ chức hội thảo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và đối thoại doanh nghiệp; hoàn thành biên soạn tài liệu và triển khai tập huấn quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cấp xã có sự tham gia cộng đồng theo định hướng thị trường cho Tổ chuyên đề lập kế hoạch cấp tỉnh, huyện và các tổ công tác lập kế hoạch cấp xã; tổ chức các đợt tham quan học tập kinh nghiệm về cải thiện môi trường kinh doanh ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Năm 2013, Ban Điều phối Dự án tiếp tục thực hiện hợp phần 1, với nội dung nâng cao năng lực cho cán bộ tỉnh, huyện để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trọng tâm là nâng cao năng lực tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mại cho cán bộ cấp xã; xây dựng quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và thị trường, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn; hỗ trợ thành lập và tập huấn các hiệp hội, hợp tác xã (HTX), câu lạc bộ khuyến nông, lâm, ngư; tổ chức đối thoại chính sách về hợp tác công-tư tại cấp tỉnh và cấp huyện về môi trường kinh doanh và chính sách đối với khu vực tư nhân; trong đó chú ý mở một số lớp đào tạo tập huấn khác.

Thực hiện nhiệm vụ trên, theo ông Nguyễn Văn Truyền, Giám đốc Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, trong quý 1, các đơn vị điều phối và thực thi hợp phần 1 đã thực hiện 10 hoạt động chính, đã và đang thực hiện 6 hoạt động, trong đó có những hoạt động phải thực hiện xuyên suốt cả năm như duy trì hoạt động các tổ công tác chuyên đề. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Chi cục Phát triển nông thôn, Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (DASU) các huyện đang xây dựng kế hoạch triển khai và dự toán chi tiết để thực hiện chuyển vốn các hoạt động đã được giao. Các đơn vị điều phối và thực thi hợp phần 1 sẽ chủ trì, phối hợp cùng Ban Điều phối Dự án tỉnh và Tư vấn chuẩn bị thực hiện điều chỉnh Sổ tay Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng thị trường có sự tham gia của cộng đồng (MOP-SEDP), đồng thời xây dựng lộ trình triển khai tập huấn, hỗ trợ lập MOP-SEDP cho các thôn, xã vùng dự án. Riêng Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp cùng Ban Điều phối Dự án tỉnh, Tư vấn, Liên minh HTX, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các huyện thông qua sổ tay hướng dẫn thành lập nhóm cùng sở thích, chuẩn bị các bước tiếp theo để tập huấn “đào tạo các tiểu giáo viên” (ToT). Qua đó tuyên truyền và thực hiện hỗ trợ thành lập 54 nhóm bò, 15 nhóm táo và 3 nhóm heo đen tại 27 xã vùng dự án nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn nói chung và các chuỗi giá trị nông nghiệp quan trọng của dự án nói riêng.

Theo Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, trọng tâm nhiệm vụ trong quý 2 của hợp phần 1 là xác định các hoạt động liên quan đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại và đánh giá mức độ các thành phần kinh tế tư nhân tham gia tiêu thụ nông sản và sản phẩm theo các chuỗi giá trị của tỉnh. Trong đó chú ý đặc biệt đến lợi ích của người nghèo, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời lồng ghép các kế hoạch phát triển thôn bản và các chiến lược chuỗi giá trị vào quá trình xây dựng MOP-SEDP. Dự kiến việc triển khai MOP-SEDP sẽ được thể chế hóa tại các xã dự án và sau năm thứ ba trình UBND tỉnh thể chế hóa và áp dụng trong toàn tỉnh.