Lục địa "Đen" sẽ thất bại trong việc đạt được mục tiêu về sức khỏe cộng đồng vào năm 2030 nếu không giải quyết được song song hai vấn đề giữa suy dinh dưỡng và béo phì ở trẻ em. Ngoài ra, các bệnh không lây nhiễm (NCD) liên quan đến dinh dưỡng như tiểu đường sẽ tiếp tục là gánh nặng về chi phí không chỉ cho người dân cũng như hệ thống y tế tại châu Phi vốn được xem là đã rất nghèo nàn và lạc hậu.
Theo WHO, trong 59 triệu trẻ em thiếu dinh dưỡng tại châu Phi, 14 triệu em đang trong tình trạng rất nghiêm trọng và có thể tử vong vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, 10 triệu trẻ em tại đây lại đang trong tình trạng thừa cân, tăng gấp đôi so với năm 2000.
Để giải quyết một cách bền vững vấn đề suy dinh dưỡng tại đây, theo WHO, ngoài việc cung cấp đủ lượng thực phẩm cần thiết, các nước châu Phi cần xây dựng được chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.
Trước đó Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu và các cuộc giao tranh triền miên đang đẩy 224 triệu người tại châu Phi vào cảnh thiếu đói trầm trọng cũng như đang làm dấy lên lo ngại về vấn đề an ninh lương thực tại châu lục này. Ngoài ra, tình trạng trên được dự báo sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi dân số của châu Phi theo tính toán sẽ tăng từ con số 1,2 tỷ hiện nay lên 1,7 tỷ vào năm 2030.
Theo FAO, số người thiếu đói và suy dinh dưỡng tại Lục địa "Đen" đã tăng từ 200 triệu lên 224 triệu trong giai đoạn 2015-2016 và sẽ còn tiếp tục tăng cao theo đà phát triển dân số, trong khi hiện tượng biến đổi khí hậu cũng như tần suất các cuộc xung đột vũ trang chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm. Các chuyên gia của FAO cho biết tình trạng thiếu đói và suy dinh dưỡng cũng sẽ tiếp tục đẩy một số lượng lớn người vào cảnh "tha phương cầu thực", đặc biệt tại những quốc gia liên tục xảy ra tình trạng xung đột như Somalia (Xô-ma-li), Nam Sudan (Xu-đăng) hay CH Trung Phi.
Cuối năm ngoái, FAO đã phải bổ sung khoản kinh phí 29 triệu USD để hỗ trợ khu vực Đông Phi giải quyết nạn đói và thiếu lương thực trầm trọng. Hồi năm 2011, nạn đói ở khu vực Sừng châu Phi (vùng Đông Bắc châu lục này) đã trở thành thảm kịch khi cướp đi sinh mạng của 260.000 người trong đó phần lớn là trẻ em.
Theo Quỹ Quốc tế cho Phát triển Nông nghiệp (IFDA), thế giới cần phải khẩn trương hành động để có thể huy động được khoảng 265 tỷ USD mỗi năm - số tiền cần thiết để đạt được hai mục tiêu phát triển bền vững đầu tiên nhằm hướng tới chấm dứt nghèo đói vào năm 2030.
Theo TTXVN