1. Ngày 13-4, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết hơn 1.000 trẻ em Nigeria đã bị các tay súng thuộc nhóm Hồi giáo vũ trang Boko Haram bắt cóc kể từ năm 2013. Theo thông báo mới đưa ra của UNICEF, trong 5 năm qua, Boko Haram đã bắt cóc hơn 1.000 trẻ em tại khu vực Đông Bắc Nigeria trong đó nghiêm trọng nhất là vụ 276 bé gái bị bắt giữ từ một trường trung học ở thị trấn Chibok năm 2014. Các trường học, đặc biệt là những trường có lịch học cố định, luôn là mục tiêu của Boko Haram vì tổ chức này cho rằng các hình thức giáo dục phương Tây là “cần bị cấm”. Cũng theo UNICEF, ít nhất 2.295 giáo viên bị giết hại và hơn 1.400 trường học bị phá hủy kể từ khi xung đột nổ năm 2009.
Kể từ khi phát động xung đột gần một thập kỷ trước nhằm âm mưu thiết lập cái gọi là một nhà nước Hồi giáo, nhóm phiến quân Boko Haram đã tấn công và tiến hành hàng loạt vụ đánh bom liều chết ở các quốc gia thuộc lưu vực hồ Chad như Nigeria, Cameroon, Niger và CH Chad, khiến ít nhất 20.000 người thiệt mạng và 2,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Boko Haram sử dụng việc bắt cóc như một vũ khí chiến tranh và đã bắt cóc hàng nghìn phụ nữ và bé gái cũng như nam giới để ép gia nhập hàng ngũ chiến đấu. Cho tới nay, dù chiến dịch quân sự mà Chính phủ Nigeria triển khai năm 2015 đã giải phóng phần lớn lãnh thổ khỏi sự chiếm đóng của Boko Haram nhưng các tay súng thánh chiến vẫn tiếp tục tấn công đẫm máu nhằm vào các mục tiêu quân sự và dân thường tại quốc gia này. Hồi tháng 2 vừa qua, Boko Haram đã tấn công một trường học ở thị trấn Dapchi, phía Đông Bắc Nigeria và bắt cóc 100 bé gái.
2. Tổng thống Syria cảnh báo hành động của phương Tây sẽ gây bất ổn khu vực. Tổng thống Syria Bashar al-Assad khẳng định bất kỳ hành động nào của các nước phương Tây đối với Syria sẽ khiến tình hình khu vực bất ổn hơn. Truyền hình nhà nước Syria ngày 12-4 dẫn tuyên bố này của Tổng thống Assad trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh cân nhắc thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Syria.
Theo nguồn tin trên, Tổng thống Assad nêu rõ: “Với mỗi chiến thắng đạt được trên chiến trường, một vài nước phương Tây lại lên giọng và hành động mạnh hơn với ý đồ thay đổi tiến trình sự kiện. Sự cao giọng này và bất cứ hành động nào theo hướng này không những không giúp ích gì mà càng khiến bất ổn gia tăng trong khu vực, từ đó đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế”.
Nhận định về tình hình căng thẳng hiện nay tại Syria, cựu điều phối viên Văn phòng đặc phái viên về hòa bình Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Frederic Hof cho rằng quân đội Mỹ và Nga sẽ làm hết sức để “tránh đối đầu trực tiếp” với nhau tại Syria, sau khi hai bên đã đạt được sự hợp tác chuyên nghiệp ở mức độ nhất định.
Nhận định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11-4 cảnh báo Nga nên “chuẩn bị sẵn sàng” cho một cuộc tấn công của Mỹ vào Syria, trong bối cảnh chỉ còn vài giờ là hết thời hạn 48 giờ mà người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố dành để cân nhắc biện pháp quân sự chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma thuộc khu vực Đông Ghouta (Gu-ta) của Syria. Ngay sau đó, phát biểu tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng tình hình thế giới đang ngày một hỗn loạn, song bày tỏ hy vọng các bên có thể giữ tỉnh táo và quan hệ quốc tế sẽ tiến triển theo hướng tích cực.
3. Ngày 11-4, phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2018 tại thành phố Bác Ngao (Boao), Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Dịch Cương khẳng định quốc gia này sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và luôn sẵn sàng cho kịch bản các nền kinh tế lớn khác trên thế giới bình thường hóa chính sách tiền tệ.
PBOC cho biết ngân hàng này đã dự đoán trước việc các nền kinh tế lớn trên thế giới tìm cách thu hẹp cán cân thanh toán và Trung Quốc đã sẵn sàng cho khả năng bình thường hóa chính sách tiền tệ. Thống đốc Dịch Cương cho biết chính sách tiền tệ của quốc gia này hiện đang ở thế trung lập và thận trọng và chưa phải huy động tới các biện pháp nới lỏng định lượng hay lãi suất 0%. Ông cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục chính sách thận trọng ngay cả khi các quốc gia khác bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ vì theo ông chính sách tiền tệ và chênh lệch lãi suất hiện tại của Trung Quốc nhìn chung là ổn và có lợi cho sự phát triển kinh tế nước này.
C.Đ