1. Liên hợp quốc kêu gọi các bên tại Gaza kiềm chế tối đa.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 5-4 đã kêu gọi các bên kiềm chế tối đa tại Dải Gaza (Ga-da) và tránh những hành động đối đầu có thể làm bạo lực leo thang hoặc gây ảnh hưởng tới dân thường, nhất là trẻ em. Người đứng đầu Liên hợp quốc đồng thời kêu gọi Israel “phải rất thận trọng” khi sử dụng vũ lực nhằm tránh gây thương vong, trong bối cảnh ít nhất 19 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương trong các vụ đụng độ ở Gaza từ cuối tuần trước.
Ông Guterres cũng nhấn mạnh cần phải khẩn trương thúc đẩy các nỗ lực nhằm nối lại cuộc đàm phán dẫn tới giải pháp hai nhà nước, trong đó “người Israel và người Palestine có thể chung sống hòa bình” trong các đường biên giới được công nhận và được bảo đảm.
Theo kế hoạch, hàng nghìn người Palestine sẽ tụ tập biểu tình gần biên giới giữa Gaza và Israel trong ngày 6-4. Cuộc biểu tình này là diễn biến tiếp theo trong làn sóng biểu tình cắm trại bắt đầu từ ngày 30-3 và dự kiến kéo dài 6 tuần, với sự tham gia của hàng chục nghìn người Palestine nhằm đòi quyền của người tị nạn và con cháu của họ được trở về mảnh đất quê hương, nơi hiện giờ là Israel. Trong ngày biểu tình đầu tiên, ít nhất 16 người Palestine đã thiệt mạng, phần lớn do trúng đạn, biến 30-3 trở thành ngày đẫm máu nhất giữa hai bên kể từ cuộc chiến năm 2014. Theo ban tổ chức, các cuộc biểu tình sẽ kết thúc vào ngày 15-5, tức là “Ngày Naqba” (Ngày Thảm họa), nhân sự kiện hàng trăm nghìn người Palestine bị đuổi khỏi nhà trong cuộc chiến tháng 5/-948 giữa Nhà nước Israel mới được thành lập với Palestine. Israel từ lâu phản đối quyền trở về của người Palestine, do lo ngại ảnh hưởng tới đa số người Do Thái sống trên phần lãnh thổ này.
Vụ việc này cùng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng bạo lực mới trong khu vực. Tông thư ký Guterres đã kêu gọi tiến hành điều tra độc lập về vụ sát hại người biểu tình trong ngày 30-3.
2. Mỹ quyết định tiếp tục duy trì quân tại Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 3-4 sẽ tiếp tục duy trì binh sĩ tại Syria. Tuy nhiên, ông vẫn giữ quan điểm không muốn đóng quân dài hạn tại đây.
Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 4-4 cho biết người đứng đầu Nhà Trắng muốn bảo đảm tiêu diệt hoàn toàn tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng trong khu vực và tạo điều kiện để Liên hợp quốc tham gia giúp ổn định tình hình tại Syria trước khi rút quân khỏi đây. Theo đó, Mỹ sẽ không ngay lập tức rút quân khỏi Syria, tuy nhiên, Tổng thống Trump đã nêu rõ ông không muốn duy trì binh sĩ dài hạn tại khu vực này.
Trước đó, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats cho biết chính quyền Mỹ đã có quyết định về việc rút quân khỏi Syria và sẽ sớm có thông báo chính thức về vụ việc. Quan chức này cho biết Tổng thống Trump đã thảo luận kỹ lưỡng với đội ngũ an ninh quốc gia tại Nhà Trắng trong ngày 3-4. Tuy nhiên, cuộc họp không thông qua một lịch trình rút quân cụ thể.
Mỹ hiện duy trì một lực lượng 2.000 quân ở miền Đông Syria với nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng địa phương đánh đuổi IS và ngăn không cho cuộc xung đột tại Syria lan rộng.
3. Cảnh báo nguy cơ các dòng sông băng ở Mexico biến mất.
Cơ quan Giám sát sông băng thế giới (WGMS) cảnh báo các dòng sông băng ở Mexico đang đứng trước nguy cơ “biến mất” trong vòng 1 thập kỷ tới do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Giám đốc Viện Vật lý địa cầu thuộc Đại học Tự trị quốc gia Mexico (UNAM), ông Hugo Delgado chỉ ra rằng nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp diễn, các dòng sông băng và núi băng ở Mexico biến mất là điều không tránh khỏi. Tình trạng này đã xảy ra với đỉnh băng của núi lửa Popocatepetl. Theo ông Delgado, nhiệt độ đóng băng, cho phép băng tồn tại trên đỉnh núi tuyết ở các ngọn núi lửa ở Mexico, sắp vượt ngưỡng cho phép và điều này sẽ dẫn đến hiện tượng băng tan chảy. Tuy nhiên, các đỉnh núi băng ở trên độ cao 5.570m so với mực nước biển và không bị các khu công nghiệp “bao vây” sẽ ít bị ảnh hưởng và tiếp tục tồn tại trong nhiều thập kỷ tiếp theo.
Theo nghiên cứu của UNAM, một trong những nguyên nhấn chính dẫn tới sự biến mất của các sông băng đó là trữ lượng nước giảm. Vào mùa khô, các sông băng sẽ tan chảy và bổ sung nước cho các con sông, cũng như các tầng địa chất chứa nước. Trong trường hợp không có nguồn nước bổ sung, nguồn tài nguyên nước ở các thành phố nằm trên những dãy núi băng ở Mexico sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mexico là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.
C.Đ