Nguy cơ vòng xoáy bạo lực mới ở Trung Đông

Cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Douma (Đu-ma), kéo theo những đe dọa để ngỏ mọi giải pháp (kể cả quân sự) để “đáp trả”, rồi đòn tấn công gây thương vong lớn nhằm vào sân bay quân sự T-4 của Syria, đã thực sự đẩy căng thẳng ở Syria leo thang lên một cấp độ nguy hiểm mới, đồng thời là một bước thụt lùi cho những nỗ lực ngoại giao giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Syria.

Đúng thời điểm này 1 năm trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tấn công chớp nhoáng nhằm vào một căn cứ quân sự của Syria bằng 50 quả tên lửa tên lửa hành trình Tomahawk. Washington giải thích quyết định tấn công này là để "đáp trả" một vụ tấn công nghi có sử dụng vũ khí hóa học ở ở Idlib (Íp-líp) hôm 4-4-2017, làm hơn 80 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Mỹ và các nước phương Tây một mực đổ lỗi cho quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường, trong khi Bộ Quốc phòng Nga khẳng định quân đội Syria đã không kích trúng kho vũ khí hóa học của phe đối lập nước này. Trong khi chưa có bất kỳ kết quả điều tra chính thức về nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học trên, Mỹ đã đơn phương có hành động quân sự nhằm vào quân đội chính quyền Syria. Cho đến bây giờ, những cáo buộc nêu trên vẫn vô căn cứ, song những mất mát về người và tài sản thì không thể lấy lại.

“Quy trình” cáo buộc – tấn công này lại tái diễn và có chiều hướng nghiêm trọng hơn sau đúng 1 năm. Mỹ và nhiều nước phương Tây tiếp tục cáo buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ba-sa An Át-xát) thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma (Đu-ma) của Syria hôm 7-4 vừa qua, và lập tức, sân bay quân sự Tayfur (T-4) ở miền Trung Syria trở thành nạn nhân của các cuộc không kích, với ít nhất 14 người thiệt mạng. Chính quyền Syria và Nga đã cáo buộc Israel tiến hành vụ không kích mà Ngoại trưởng trưởng Nga Sergei Lavrov (Xéc-gây La-vrốp) gọi là “diễn biến hết sức nguy hiểm” này. Phía Nga nhấn mạnh không thể chấp nhận sự “khiêu khích” và “suy diễn” xung quanh vụ tấn công, đồng thời nhấn mạnh không thể kết luận vội vàng về vụ tấn công ở Douma, thị trấn do lực lượng đối lập kiểm soát thuộc khu vực Đông Ghouta (Ghu-ta) của Syria. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9-4 tuyên bố Washington có “rất nhiều lựa chọn” về mặt quân sự đối với Syria và sẽ hành động nhanh chóng, mạnh mẽ nhằm đáp trả vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học. Giới phân tích cho rằng tuyên bố này của Tổng thống Trump ám chỉ một giải pháp quân sự đối với Syria, điều sẽ lại khiến Syria rơi vào vòng luẩn quẩn xung đột/chiến sự không có lối thoát.

Với những động thái trên, căng thẳng ở Syria đã được Mỹ và phương Tây “chủ động” đẩy lên một nấc thang mới với hậu quả khó lường vào thời điểm mà cuộc chiến chống khủng bố tại Syria dường như sắp tới hồi kết, còn tiến trình hòa bình cũng đang có những hy vọng mới sau hàng loạt vòng đàm phán hòa bình ở cả Geneva (Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ) và Astana (Kazakhstan), cũng như Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi (Xô-chi, Nga) và Hội nghị thượng đỉnh ba bên Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran vừa diễn ra tại Ankara. Thực tế, dưới sự vào cuộc tích cực cả về ngoại giao và quân sự của Nga, tình hình Syria tới nay đang diễn ra theo chiều hướng tích cực. Chính quyền Syria tiếp tục giành nhiều lợi thế trên chiến trường, giải phóng gần như hoàn toàn tỉnh Đông Ghouta, khu vực bị các nhóm khủng bố và phiến quân chiếm đóng từ năm 2012 và sử dụng làm “bàn đạp” cho các cuộc tấn công Damascus. Trong khi phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hoàn toàn kiểm soát thành phố Afrin (A-phrin) ở Tây Bắc Syria, đẩy lui lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ra khỏi khu vực. Về phần mình, lực lượng của Tổng thống Assad đã giành nhiều lợi thế trên thực địa, giải phóng hầu hết các khu vực khỏi lực lượng khủng bố và phiến quân, buộc các tay súng nổi dậy Jaish al-Islam phải rời thị trấn Douma, khu vực cuối cùng còn quân nổi dậy kiểm soát tại Đông Ghouta, để rút về phía Bắc Syria. Từ góc độ trên có thể thấy vai trò rõ nét của Nga, bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, so với sự mờ nhạt của Mỹ và đồng minh trên chiến trường Syria, từ việc đưa ra quyết định lịch sử về việc thành lập các khu vực tránh leo thang ở Syria cho tới chia sẻ trách nhiệm cho tương lai của quốc gia Trung Đông này.

Khi vai trò chính đã gần như hoàn tất, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) quyết định rút một phần quân đội Nga khỏi Syria sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ đánh bại tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông này theo đề nghị của chính quyền Syria. Đó là việc nên làm với những quốc gia mang quân giúp đánh đuổi lực lượng khủng bố. Song liệu Mỹ có làm như vậy?. Báo Độc lập (Nga) ngày 6-4 bình luận rằng tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút quân khỏi Syria có thể không trở thành hiện thực. Điều này được thể hiện rõ qua một loạt tình huống khách quan diễn ra ở Mỹ cũng như các quan điểm được trình bày tại Hội nghị An ninh quốc tế vừa diễn ra ở Moskva. Người đứng đầu Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Dan Coates (Đan Cốt) đã tuyên bố rằng quyết định rút quân sẽ được thực hiện “trong một số điều kiện nhất định”. Tờ Washington Post dẫn nguồn tin cao cấp cho biết Tổng thống Trump đã ra lệnh chuẩn bị rút quân, nhưng không nêu rõ ngày bắt đầu thực hiện. Và ngày này có thể sẽ không được công bố bởi cuộc chiến chống khủng bố ở Syria sẽ kéo dài và nếu Mỹ rời khỏi liên minh ở Syria thì liên minh này sẽ không thể tồn tại. Theo giới phân tích, dường như những tuyên bố về việc rút quân khỏi Syria chỉ là một "quân bài" để đàm phán và mặc cả. Giáo sư về An ninh quốc tế Aleksey Fenenko (A-lếch-xây Phê-nen-cô) thuộc Khoa Chính trị thế giới, Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov (Nga) cho rằng Mỹ sẽ không rời khỏi Syria, mặc dù sự hiện diện của Washington ở quốc gia này là bất hợp pháp (không được sự đồng ý của chính quyền Syria). Theo giáo sư Fenenko, Mỹ sẽ không rời khỏi Syria bởi nếu Mỹ rút lui thì đây được xem là thất bại rõ ràng của Tổng thống Trump. Đối với Washington, ý tưởng về khả năng rút lui là một “giới hạn đỏ” và đó là điều không chấp nhận được.

Trong bối cảnh trên, cái cớ cáo buộc chính quyền Syria tấn công vũ khí hóa học và sẽ phải “trả giá đắt” đang được dư luận hết sức quan tâm, lo ngại về nguy cơ một cuộc tấn công quân sự đang cận kề. Điều đó sẽ đẩy cục diện cuộc xung đột ở Syria vào thế đặc biệt nguy hiểm, làm phức tạp tình hình và phá hoại mọi nỗ lực và những thành quả chính quyền Syria, dưới sự hỗ trợ của các nước như Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thời gian gần đây.

Trên cả bình diện thực địa và chính trị, người dân Syria đã có thể mơ về một nền hòa bình, song cáo buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ba-sa An Át-xát) gây ra vụ tấn công vũ khí hóa học ở Douma (Đu-ma) của Syria, kéo theo những đe dọa “để ngỏ mọi giải pháp”, đã đẩy căng thẳng lên một cấp độ mới. Cũng giống như cuộc không kích đúng 1 năm trước, hành động quân sự sẽ không mang lại kết quả mà chỉ khiến tình hình thêm thêm phức tạp, đe dọa không chỉ Syria mà cả Trung Đông có thể rơi vào vòng xoáy bất ổn mới.