1. EC đưa ra các biện pháp an ninh bảo vệ EU khỏi các mối đe dọa hoá học.
Ngày 17-4, Ủy viên an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Julian King thông báo vào tháng 6 tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố một loạt đề xuất nhằm tăng cường an ninh cho khối khỏi các mối đe dọa từ các chất hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân.
Phát biểu trong một cuộc họp báo về các đề xuất an ninh mới nhằm bảo vệ tốt hơn cho công dân EU, ông King cho biết EC sẽ đưa ra một loạt đề xuất quan trọng để tăng cường ngăn chặn các mối đe dọa từ các chất sinh học, hóa học, hạt nhân và phóng xạ. Quyết định của EC được đưa ra sau vụ điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại Anh hồi tháng 3 vừa qua, gây ra những căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây. Ông King cũng nhấn mạnh EC sẽ làm tất cả để có thể chống lại các mối đe dọa.
Vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Nga Skripal xảy ra ngày 4-3 đã châm ngòi cho một cuộc “khẩu chiến” chưa có điểm dừng giữa Nga và Anh. London liên tục cáo buộc Moskva là thủ phạm và cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm vụ đầu độc này, bất chấp việc Nga liên tục bác bỏ. Vụ việc sau đó cũng đã khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây “tụt dốc không phanh” trong khi thông tin về chất độc vẫn chưa được công bố toàn diện.
2. Nghi phạm liên quan tới vụ khủng bố 11-9 ở Mỹ bị bắt tại Syria. Lầu Năm Góc ngày 19-4 thông báo một đối tượng nam giới có liên quan tới vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ đã bị các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn bắt giữ tại Syria hơn một tháng trước.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Eric Pahon nêu rõ: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng Mohammad Haydar Zammar, công dân Đức sinh tại Syria, đã bị Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) bắt giữ hơn một tháng trước trong khuôn khổ các chiến dịch đang diễn ra của lực lượng này nhằm đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang hoạt động bên trong lãnh thổ Syria”. Quan chức này nói thêm: “Chúng tôi đang phối hợp với các đối tác SDF để thu thập thêm chi tiết”.
Theo báo cáo của ủy ban 11-9, Zammar là một phần tử Hồi giáo công khai ca ngợi thánh chiến cực đoan, từng dùng tiền để chi phối Ramzi Binalshibh, đối tượng bị cáo buộc chuyến tiền cho một số không tặc thực hiện vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 cũng như cung cấp thông tin cho mạng lưới al-Qaeda và Mohammed Atta, kẻ cầm đầu vụ tấn công nhằm vào Trung tâm thương mại tại New York.
Các quan chức Mỹ cho biết hiện vẫn còn hàng trăm tay súng nước ngoài và hàng nghìn phần tử thuộc nhóm khủng bố IS tại Syria đang bị SDF giam giữ.
3. Đức sửa đổi dự luật về đoàn tụ gia đình cho người tị nạn. Ngày 15-4, Chánh Văn phòng Thủ tướng liên bang Đức, ông Helge Braun phát biểu trên tờ Tagesspiegel (Tấm gương hàng ngày) rằng, dự luật về chính sách đoàn tụ gia đình cho những người tị nạn được Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Horst Seehofer soạn thảo cần được sửa đổi một lần nữa.
Theo ông Braun, dự luật trên đã được đưa ra trong cuộc bỏ phiếu nội bộ của Chính phủ liên bang, tuy nhiên, các tiêu chí của dự luật này vẫn chưa rõ ràng. Dự luật này sẽ chỉ được thông qua nếu có được sự đồng thuận trong nội các.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Seehofer đã xây dựng dự luật về chính sách đoàn tụ gia đình cho những người tị nạn với nhiều điểm hạn chế. Theo đó, việc đoàn tụ gia đình với người tị nạn có thể bị từ chối nếu người thân của họ ở Đức nhận được các phúc lợi xã hội như trợ cấp xã hội đối với người tị nạn (Hartz IV). Điều đó có nghĩa rằng, Đức không cho phép có sự đoàn tụ gia đình với người nhận Hartz IV. Dự luật của Bộ trưởng Nội vụ liên bang đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Đảng Dân chủ xã hội (SPD) và các tổ chức tị nạn bởi họ cho rằng, các tiêu chí để người tị nạn có thể đoàn tụ gia đình quá nghiêm ngặt.
Trước đó ngày 1-2, Quốc hội Liên bang Đức đã bỏ phiếu nhất trí thông qua dự luật về chính sách đoàn tụ gia đình cho những người tị nạn. Với 376 phiếu thuận và 248 phiếu chống, Quốc hội Đức đã đồng ý dỡ bỏ quyết định đình chỉ việc đoàn tụ gia đình đối với những người chưa được nhận quy chế tị nạn đầy đủ. Theo luật mới, kể từ ngày 1-8 tới, mỗi tháng sẽ có tối đa 1.000 người di cư được phép định cư tại Đức với điều kiện họ có quan hệ họ hàng trực tiếp với những người tị nạn đang sống và làm việc tại đây.
Mặc dù được Quốc hội thông qua, song theo nhận định của giới phân tích, chi tiết của dự luật này vẫn cần phải được bổ sung thêm. Chẳng hạn, dự luật này vẫn còn có điều chưa rõ về việc Đức sẽ lựa chọn thế nào đối với 1.000 người di cư được phép tới Đức.
CĐ