Đất hoang hóa thành “đất vàng”
Cùng với du lịch, giao thương, một trong những hiệu quả kinh tế từ TĐVB đem lại, đó là đã tạo điều kiện mở rộng, phát triển quỹ đất ven biển hàng chục nghìn ha. Từ đất hoang hóa, sa mạc ven biển trở thành đất kinh tế-đây là một “lợi nhuận” rất lớn, thành công trong đầu tư TĐVB.
TĐVB được khởi công xây dựng đã có hàng nghìn hộ dân được hưởng lợi từ dự án này. Rõ nhất là từ khi thông tuyến, giá trị đất 2 bên TĐVB bắt đầu tăng mạnh. Đồng chí Bùi Thế Ly, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải (Ninh Phước), cho biết: Khu vực từ An Hải đến Phước Dinh, trước khi có TĐVB, ngoại trừ một số khu dân cư nằm bám trên trục đường nhỏ cũ, còn lại đất hoang hóa, đất bạc, nhiễm mặn bỏ hoang. Tuy nhiên, sau khi TĐVB đưa vào sử dụng đã biến thành “đất vàng”. Không chỉ đất dân cư lên giá, sau khi TĐVB đưa vào sử dụng, đã có hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến khu vực thuộc 2 bên TĐVB lập dự án đầu tư về lĩnh vực công nghiệp, du lịch, nông nghiệp nông thôn. Hiện nay, trên TĐVB tại 4 huyện và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có 65 công trình, dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án với hơn 6.800 ha, với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, TĐVB cũng đã mở ra 11 khu đất thuộc nhóm các khu đất khoanh định theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, với tổng diện tích 367 ha. Trong đó chia theo địa bàn các huyện, thành phố: Ninh Hải 3 khu đất/148,71 ha; Tp. Phan Rang – Tháp Chàm 5 khu đất/29,67 ha; Ninh Phước 1 khu đất/10,40 ha; Thuận Nam 2 khu đất/180 ha đất khoanh định theo theo quy hoạch để khai thác, sử dụng trong kỳ quy hoạch-kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011- 2020.
Mũi Dinh là một trong những điểm du lịch nằm trên tuyến đường ven biển
thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: V.M
Qua đó có thể thấy TĐVB đã phát huy hiệu quả kinh tế, khi góp phần biến những vùng đất hoang hóa, đất bạc, đất nhiễm mặn, đồi núi...trở thành đất kinh tế có giá trị cao, tạo điều kiện cho các địa phương có TĐVB đi qua trong quy hoạch, sử dụng, sắp xếp, khai thác tiềm năng quỹ đất hiệu quả để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, bên những hiệu quả kinh tế đem lại, thực tế cho thấy, việc sử dụng đất trên TĐVB hiện nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất hợp lý. Việc phát triển hay dự kiến quy hoạch phát triển các đô thị, khu dân cư ven biển, khai thác khoáng sản…thường dẫn đến tình trạng quỹ đất bị khai thác tới mức cao nhất, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về môi trường, lãng phí về tài nguyên đất. Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án “treo”, gây lãng phí đất đai... Ðáng lo ngại, trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu nhiều khu vực đất ven biển bị xâm nhập mặn, bị khô hạn và hoang mạc hóa.. đã ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân trong khu vực.
Quản lý, khai thác hiệu quả
Theo quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, với bờ biển Ninh Thuận dài 105 km với vùng đặc quyền kinh tế 24.480 km2, lãnh hải nội thủy rộng khoảng 1.800 km2, nằm trong vùng nước trồi. Việc TĐVB hoàn thành đưa vào sử dụng, đang là động lực thúc đẩy kinh tế biển phát triển. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU và HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 69/2016/NQ-HĐND về phát triển kinh tế biển Ninh Thuận giai đoạn 2016- 2020 và những năm tiếp theo, trong đó đề ra mục tiêu tập trung xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng toàn diện và hiện đại. Trước mắt, tập trung ưu tiên phát triển 3 nhóm ngành: khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; phát triển du lịch biển; phát triển công nghiệp biển và ven biển để tạo bứt phá và trở thành động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác. Phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế biển tăng bình quân 15-16%/năm. Đến năm 2020, kinh tế biển chiếm 38-40% tổng sản phẩm nội tỉnh; tổng giá trị sản xuất, dịch vụ kinh tế biển đạt khoảng 17.000-17.500 tỷ đồng, trong đó thủy sản chiếm 34-35%; công nghiệp ven biển 55-56% và du lịch biển 9-10%; giá trị xuất khẩu của ngành kinh tế biển chiếm 46-47% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu trên, một trong những giải pháp quan trong nhất đó chính là quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất ven biển thật sự hiệu quả.
Đồng chí Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Để quản lý, sử dụng bền vững và khai thác hiệu quả toàn bộ quỹ đất hai bên TĐVB của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế biển phát triển, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu và kiến nghị UBND tỉnh các giải pháp quản lý, sử dụng quỹ đất. Cụ thể, tham mưu cho UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành và các địa phương rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với từng điều kiện và từng vị trí đất cụ thể trên toàn TĐVB vừa tạo mỹ quan vừa gắn kết được các lợi thế của từng vùng để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là các khu vực nuôi tôm giống hiện nay. Căn cứ vào quy hoạch đã được điều chỉnh và kết quả khoanh định các khu đất theo quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được xét duyệt, tổ chức lập ngay quy hoạch xây dựng cho các khu đất này để công bố và tổ chức kêu gọi đất tư. Trên cơ sở quy hoạch, lập phương án và tổ chức ngay việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch từ nguồn vốn ngân sách, vốn của Quỹ Đầu tư phát triển, vốn của các doanh nghiệp và các nguồn vốn vay khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có thể tiếp cận ngay đất đai và đầu tư. UBND các huyện, thành phố tiếp tục quản lý chặt chẽ quỹ đất, xử lý nghiêm các trường hợp sang nhượng trái phép, sử dụng đất sai mục đích, chuyển mục đích để xây dựng công trình trái phép; kiên quyết dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, không làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời chuyển mục đích sử dụng đất, khi quy hoạch xây dựng chưa được xét duyệt. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất chỉ được thực hiện khi dự án đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận theo quy hoạch xây dựng được xét duyệt.
Xuân Bính
>> Bài 2: Kết nối giao thương thúc đẩy kinh tế phát triển