Sự đổi thay
Từ Bình Tiên đến Cà Ná, vượt qua 105 km, trên suốt TĐVB chúng tôi thật sự vui mừng vì hai bên đường là những khu dân cư đông đúc, các trụ sở doanh nghiệp, trang trại sản xuất, nuôi tôm; các cửa hiệu, cửa hàng kinh doanh tạp hóa, thức ăn nuôi tôm; những ngôi nhà mới hai, ba tầng ngày mọc lên càng nhiều. Gặp gỡ nhiều người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, chúng tôi ghi lại được những câu chuyện mừng vui, những dự tính, vận hội mở ra từ TĐVB này. Việc xây dựng con đường không chỉ nhằm mục đích phá vỡ thế độc đạo của tuyến Quốc lộ 1A, mà nó còn thực sự trở thành đòn bẩy phát triển KT-XH của các vùng ven biển.
Cầu An Đông được xây dựng hiện đại nằm trên tuyến đường ven biển. Ảnh: V.M
Ông Bùi Thành, thôn Phú Thọ (phường Đông Hải, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết: Từ nay, bà con chúng tôi đi qua Đông Hải và về trung tâm thành phố không còn "cách trở đò giang" như trước. Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Hải Dương tâm sự: Trước đây, do điều kiện đi lại khó khăn nên doanh nghiệp chúng tôi chỉ đầu tư trại sản xuất tôm giống ở đây. Từ khi TĐVB được xây dựng chúng tôi đã chuyển từ mô hình hình trại nuôi tôm ở xã An Hải sang Công ty TNHH để hoạt động kinh doanh. Phải nói rằng tuyến đường mở ra rất nhiều cơ hội cho người dân, nhất là ngành nuôi trồng, sản xuất tôm giống, tôm thương phẩm.
Đồng chí Bùi Thế Ly, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải (Ninh Phước) bày tỏ niềm vui: Khi chưa có TĐVB, phía Đông Nam của huyện Ninh Phước-Thuận Nam gần như biệt lập trong sa mạc cát, nắng và gió. Từ khi có TĐVB, bộ mặt nông thôn các địa phương thay đổi hẳn, giao thông đi lại thuận lợi, tạo động lực để địa phương phát triển. Trước đây, gần 70 cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn xã An Hải hầu hết được thành lập dưới hình thức trại nuôi tôm rất khó quản lý. Tuy nhiên, sau khi TĐVB được mở và hoàn thành, các trang trại này đã chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, vừa dễ quản lý vừa tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm lao động cho địa phương, góp phần đưa xã An Hải đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2018. Còn đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, khẳng định: TĐVB mở ra nhiều cơ hội lớn cho các huyện ven biển của tỉnh, trong đó có Thuận Nam. Hiện nay, huyện cũng đang đẩy nhanh quy hoạch, đầu tư xây dựng các tuyến đường liên xã nối liền tuyến Quốc lộ 1A với TĐVB, hình thành các khu dân cư, vùng đất sản xuất mới. Được biết, từ khi dự án này được khởi công xây dựng, hàng chục nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến Thuận Nam để tìm hiểu và đầu tư các lĩnh vực về du lịch biển, cảng biển, điện gió, điện mặt trời... Cùng với đó, TĐVB kết hợp với hệ thống đê biển và hệ thống đường phòng thủ ven biển nhằm tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai và tăng cường củng cố QP-AN tại địa phương
Động lực phát triển kinh tế
Xác định tuyến giao thông ven biển có tầm quan trọng đặc biệt trong thúc đẩy phát triển KT-XH, QP-AN, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, tỉnh ta đã tranh thủ các nguồn vốn, huy động nhiều nguồn lực khẩn trương đầu tư xây dựng TĐVB. TĐVB được hình thành trên cơ sở tận dụng tối đa các tuyến đường hiện có, kết hợp xây dựng mới được đánh giá là tuyến kết nối, tích hợp thuận lợi với mạng lưới giao thông của từng địa phương, phù hợp với các quy hoạch khác trong vùng và khu vực.
Với chiều dài 105 km, đây là tuyến đường bộ đi sát biển, nối liền các đô thị ven biển, các khu kinh tế ven biển thành một dải, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển KT-XH của các địa phương có biển. TĐVB được đầu tư xây dựng đảm bảo cho các dự án, các ngành công nghiệp- du lịch- nông nghiệp nông thôn dọc trên tuyến biển của tỉnh nhà được triển khai. Hệ thống các cảng vận chuyển hàng hóa Ninh Chữ, Dốc Hầm-Cà Ná; các dự án DL biển của tỉnh: Bình Tiên-Vĩnh Hy-Ninh Chữ-Nam Cương-Mũi Dinh-Cà Ná; kết nối DL 2 vùng trọng điểm Bình Thuận và Khánh Hòa. TĐVB còn là một mắt xích quan trọng nối liền tuyến quốc lộ ven biển trong tương lai của cả nước. Tuy không phải là tuyến đường trục dọc quốc gia, nhưng TĐVB được xây dựng phù hợp với điều kiện phát triển thủy sản, hải văn, đồng thời đặc biệt lưu ý tới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngoài ra, TĐVB còn có thể kết hợp với các hệ thống đê biển và đường phòng thủ ven biển, tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai và tăng cường QP-AN trong khu vực.
TĐVB tạo điều kiện sắp xếp lại khu dân cư khu vực Ninh Chữ nơi tuyến đường đi qua. Ảnh Xuân Bính.
Từ khi đưa vào sử dụng, TĐVB góp phần thúc đẩy KT-XH ven biển nói riêng, KT-XH tỉnh phát triển nói chung. Từ TĐVB, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương và vốn ngân sách tỉnh đã đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối TĐVB, các tuyến giao thông vào đến các cảng cá nhằm phục vụ phát triển kinh tế biển, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển nói riêng và phục vụ phát triển KT-XH khu vực ven biển nói chung. Đơn cử như tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, Trường Chinh, Nguyễn Văn Cừ- Nguyễn Thị Minh Khai kết nối đường Yên Ninh, đường vào Cảng cá Cà Ná, đường vào Trung tâm giống thủy sản tập trung An Hải... Không những vậy, tỉnh còn đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng 3 Cảng cá: Đông Hải, Ninh Chữ, Cà Ná và Bến cá Mỹ Tân với quy mô neo đậu 3.200 tàu cá các loại, phục vụ cho tàu thuyền đánh bắt trong và ngoài tỉnh neo đậu, tránh trú bão và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng biển Ninh Chữ và Cảng tổng hợp Cà Ná, nhằm đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu vận tải đường thủy của tỉnh, phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp và nhu cầu hàng hóa, vận chuyển xăng dầu trong tỉnh và của khu vực lân cận.
Nhờ vậy, hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đạt kết quả khá tích cực, tổng sản lượng thuỷ sản khai thác hàng năm tăng lên đáng kể. Năm 2017 đạt gần 98.470 tấn; năng lực tàu thuyền toàn tỉnh không ngừng tăng lên, nhất là tàu công suất lớn. Toàn tỉnh hiện có 2.771 chiếc/345.129 CV, trong đó có 38 tàu có công suất trên 700 CV. Lợi thế về sản xuất giống thủy sản được phát huy, tỉnh ta từng bước trở thành vùng sản xuất giống thủy sản quy mô lớn của cả nước. Dịch vụ nghề cá, chế biến, mua bán, xuất nhập khẩu hải sản tiếp tục có bước phát triển. Du lịch biển đang từng bước định hình và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch biển gắn với nhóm tài nguyên mang đặc trưng của tỉnh. Kết quả thu hút khách du lịch trong và ngoài nước giai đoạn 2007-2017 tăng trưởng bình quân 16%/năm; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tăng trưởng bình quân 17%/năm. Thực tế rất đáng ghi nhận là điều kiện sống của người dân vùng biển từng bước được cải thiện; việc phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc QP-AN vùng biển; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo, an ninh biển đảo được giữ vững.
Xuân Bính
>> Bài 1: Tạo bước đột phá về du lịch