Tại cánh đồng Dầu 12 ha phía tây hồ Bà Râu, ngay trước trụ sở UBND xã Phước Kháng, có 4 ha lúa vừa gặt xong, chúng tôi thấy 8 ha lúa còn lại vẫn xanh tốt. Ông Pupur Thắng, thôn Đá Mài Trên, đang trồng lúa ở đây vừa thu hoạch 4 sào, năng suất đạt thấp (khoảng hơn 4 tạ/sào), cho chúng tôi biết ông đang tiếp tục bơm tưới cho 5 sào lúa vì vẫn còn đủ nước. Trước nguy cơ thiếu nước, Trạm Thủy nông huyện Thuận Bắc đã triển khai hệ thống trạm bơm dã chiến gồm 1 máy bơm dầu lớn và cung cấp dầu cho 2 máy bơm nhỏ của xã hoạt động, cùng bơm nước từ hồ Bà Râu lên cung cấp tưới cho vùng trồng lúa cạnh hồ. Dẫn chúng tôi ra cánh đồng Đá Mài Dưới rộng 2 ha đang trồng lúa xanh tốt, đồng chí Ka-tơ Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kháng giải thích: “Đây là lúa vụ đông-xuân, sau khi thu hoạch xong, từ vụ hè-thu sẽ ngưng sản xuất ở đây và cả bên cánh đồng Dầu vì phải dành nước cho gia súc uống”.
Hệ thống kênh dẫn nước từ hồ Bà Râu về đồng Nhíp.
Đi dọc theo hệ thống kênh dẫn nước từ hồ Bà Râu về cánh đồng Nhíp vừa được huyện đầu tư xây dựng, chúng tôi ngạc nhiên khi nước vẫn ăm ắp chảy. Đồng Nhíp có diện tích gần 400 ha, nhờ đủ nước tưới nên trồng lúa xanh tốt. Tuy nhiên, vụ hè-thu tới, toàn bộ diện tích này sẽ ngưng sản xuất và về lâu dài, theo chủ trương của huyện Thuận Bắc, nơi đây không còn trồng lúa mà sẽ chuyển sang trồng cây đậu xanh, ít hao tốn nước lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong thực tế, tác dụng của kênh dẫn nước đang được phát huy, hiện nay ở vùng đất cạnh chân núi, đối diện cánh đồng Nhíp, nông dân đã tận dụng nguồn nước, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, nhỏ giọt để trồng mãng cầu dai và thực hiện một số mô hình sản xuất mới. Chị Chị Pupur Thị Hy, thôn Bà Rân 2 (Lợi Hải) chia sẻ: “Nhờ có kênh này, tôi trồng được 3 sào mãng cầu, giờ chỉ sợ khô hạn không đủ nước tưới”.
Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết: “Nhờ có cơn mưa trong đêm ngày 7 và sáng ngày 8-4 vừa rồi nên các hồ chứa đã tích thêm nước, tuy nhiên nếu trời tiếp tục không mưa thì Thuận Bắc sẽ đối mặt với hạn hán. Hiện tại công tác chống hạn của huyện tập trung vào xã Phước Kháng, tâm điểm là thôn Suối Le thuộc xã”. Thôn Suối Le có 99 hộ/374 khẩu, đã được đầu tư hệ thống thủy lợi bao gồm đập dâng và tuyến kênh chính có chiều dài 665 m, kênh nhánh 974 m cung cấp nước tưới cho hơn 20 ha đất sản xuất lúa, màu. Do thiếu nguồn nước, diện tích trên hiện ngừng sản xuất và dành ưu tiên nước cho đàn gia súc. Về nước sinh hoạt, Suối Le có 35 giếng đào trong dân, mực nước giếng đang có chiều hướng giảm và thấp dần; huyện đã cho sửa chữa 2 giếng khoan trong thôn để lấy nước phục vụ cho nhân dân. Trường hợp nắng hạn kéo dài dẫn đến cạn kiệt nguồn nước, huyện sẽ có phương án chở nước nơi khác đến để cung cấp cho người dân; ngoài ra có phương án nạo vét, đào ao chứa nước cho gia súc uống.
Theo ông Võ Quang Chung, Phó Trưởng trạm Thủy nông Thuận Bắc, hiện tất cả sông, suối trên địa bàn huyện đều cạn dần nước; riêng dung tích nước hồ Sông Trâu (Phước Chiến), hồ lớn nhất huyện, chỉ còn 1,7 triệu m3/31,53 triệu m3 và nước hồ Bà Râu (Lợi Hải) còn 1,69 triệu m3/4,67 triệu m3, tức thấp đến mức đáng lo. Ngay như xã Phước Kháng, không chỉ Suối Le đang cạn dần nước, khi đi ngang cầu Bến Nưng, chúng tôi thấy con suối Lù Kô chảy dưới cũng chỉ còn trơ đá trong dòng đáy, bờ đập thì trắng khô, còn lòng hồ chỉ là một vũng nước lớn. Xã Phước Chiến có may mắn hơn khi hồ Ba Chi vẫn tích nước 259 ngàn m3/408 ngàn m3 và hồ Ma Trai tích 473 ngàn m3/484 ngàn m3 nên việc sản xuất, sinh hoạt dễ chịu hơn, song không phải vì thế mà bớt lo về nước khi chưa có mưa.
Đến thời điểm này, có thể nói tình trạng khô hạn ở Thuận Bắc còn trong vòng kiểm soát. Tuy nhiên nếu trong thời gian tới không có mưa tiểu mãn thì huyện sẽ khó khăn về nguồn nước trong sinh hoạt và sản xuất. Trước mắt, với mực nước các hồ thủy lợi chính đang xuống nhanh, khả năng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân là không tránh khỏi. Theo đồng chí Trần Quốc Sanh, để chủ động ứng phó với tình hình khô hạn, Thuận Bắc đang tích cực triển khai phương án phòng chống hạn và kiến nghị tỉnh sớm đầu tư Dự án kéo dài hệ thống cấp nước sinh hoạt từ Phước Trung (Bác Ái) về cung cấp cho thôn Suối Le. Đối với một số địa phương như Phước Kháng, Phước Chiến có tổng đàn gia súc trên 7.000 con, gồm trên 3.000 con trâu, bò và gần 4.000 con dê, cừu thiếu thức ăn, đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ rơm và thức ăn tổng hợp.
Bạch Thương