Công tác chuyển đổi cây trồng trong vụ đông - xuân 2018 đạt được kết quả đáng ghi nhận, 6 huyện trên địa bàn tỉnh đều hoàn thành chỉ tiêu chuyển đổi 549,1 ha, với 2 loại cây trồng: cây ngắn ngày (bắp, đậu xanh, dưa hấu, rau các loại) và cây dài ngày (chủ yếu là măng tây xanh, cây ăn quả). Đến nay, cây ngắn ngày đã đến kỳ thu hoạch, năng suất khá cao. Cụ thể, bắp đạt 6-7 tấn/ha, đậu xanh 0,9 tấn/ha. Toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn ngoài thị trường ở thời điểm hiện tại, góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân. Điều đáng nói trong thực hiện công tác chuyển đổi cây trồng ở vụ đông - xuân là các huyện chú trọng xây dựng vùng sản xuất bền vững với các loại cây, có giá trị kinh tế cao theo chỉ đạo của tỉnh. Đơn cử, huyện Thuận Bắc đã hỗ trợ nông dân các xã Lợi Hải, Công Hải chuyển 9,3 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng măng tây xanh; huyện Bác Ái hỗ trợ giống cho nông dân trồng 50 ha bưởi da xanh, mở ra triển vọng làm giàu trên vùng đất khô hạn.
Nông dân huyện Bác Ái chăm sóc bắp. Ảnh: A.T
Thành công trên, thể hiện sự nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương trong việc đề ra các giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế ở từng khu vực. Đối với UBND các huyện, xã, xác định công tác chuyển đổi cây trồng là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong hành động. Chủ động rà soát, xác định vùng, quy mô, đối tượng cây trồng đề xuất nhu cầu, tiếp cận chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh về Đề án chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 giúp nông dân có điều kiện chuyển đổi cây trồng đúng theo kế hoạch. Trên cơ sở quy mô, vùng sản xuất và đối tượng cây trồng, huyện phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn các xã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ động liên kết với doanh nghiệp ứng giống, vật tư, cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân một cách chặt chẽ cũng là giải pháp hữu hiệu để thực hiện chuyển đổi cây trồng lâu dài, ổn định. Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo quyết liệt đơn vị trực thuộc xây dựng lịch điều tiết nước tưới hợp lý, ưu tiên đối tượng cây trồng chuyển đổi, hạn chế tối đa nước tưới cho cây lúa gieo trồng ngoài kế hoạch, trong vùng đã được xác định chuyển đổi; đồng thời cử cán bộ về cơ sở hướng dẫn nông dân về kỹ thuật canh tác các loại cây trồng cạn, góp phần làm nên mùa vụ bội thu.
Nông dân huyện Thuận Bắc chuyển đổi sang trồng cây măng tây xanh,
mang lại hiệu quả cao kinh tế. Ảnh: Thanh Long
Chuyển đổi cây trồng cạn thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn là chủ trương xuyên suốt của tỉnh, không riêng gì hiện nay, những vụ trước ngành chức năng, các địa phương cũng đã chú trọng vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây ít sử dụng nước có giá trị kinh tế cao. Thực tế, công tác chuyển đổi cây trồng có hiệu quả ở vụ đông - xuân 2018 đã tạo đà để các huyện tiếp tục thực hiện chương trình trong thời gian tới đi vào chiều sâu hơn. Theo kế hoạch, vụ hè - thu 2018, dự kiến toàn tỉnh chuyển 160,9 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây sử dụng ít nước tưới; trong đó, Thuận Nam 29 ha, Ninh Phước 54 ha, Ninh Hải 11,5 ha, Ninh Sơn 66,4 ha. Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Công tác chuyển đổi cây trồng vụ hè-thu có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình hạn hán hiện nay, hình thức tổ chức thực hiện linh hoạt hơn. Bên cạnh tiếp tục bố trí một số mô hình trình diễn cây trồng cạn, thì điểm mới của công tác chuyển đổi cây trồng vụ hè - thu là các huyện phối hợp với ngành chức năng tiến hành khảo sát xác định đối tượng cây trồng tiềm năng, đặc biệt cây ăn quả phù hợp với từng khu vực, quy hoạch vùng để có kế hoạch sản xuất lâu dài và bền vững; trong đó, chú trọng đưa cây đặc thù vào trồng ở vùng chuyển đổi theo hướng chú trọng ứng dụng công nghệ cao.
Để công tác chuyển đổi cây trồng vụ hè - thu 2018 có hiệu quả, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh đề ra giải pháp thực hiện, phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, địa phương. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả của những mô hình để nhiều hộ chủ động tham gia chuyển đổi, thì đề cao vai trò của hợp tác xã làm “cầu nối” để doanh nghiệp ký kết thu mua sản phẩm cho nông dân ngay từ đầu vụ, tạo niềm tin cho bà con an tâm thực hiện chương trình.
Anh Tùng