Đồng chí Châu Thanh Hải - Bí thư Tỉnh đoàn: "Tết trồng cây là việc làm tốn kém ít nhưng lợi ích nhiều"

Đồng chí Châu Thanh Hải, Bí thư Tỉnh đoàn đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Ninh Thuận về kế hoạch thực hiện “Tết trồng cây năm 2011” sẽ tổ chức vào ngày 17-2.

Bí thư Tỉnh đoàn Châu Thanh Hải chia sẻ: Trồng cây, theo quan điểm Hồ Chí Minh vừa là vấn đề kinh tế, chính trị, vừa là vấn đề văn hóa- xã hội. Về ý nghĩa chính trị, đây là cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng- đều có thể hăng hái tham gia. Cả nước ra quân trồng cây thể hiện sự đồng lòng, nhất trí từ trên xuống dưới, từ già đến trẻ tạo nên sức mạnh chính trị- văn hóa của cả một dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước.

PV: Sự phối hợp của các ban ngành liên quan trong việc tổ chức Tết trồng cây 2011, ở tỉnh ta như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Châu Thanh Hải: UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp. Một trong những giải pháp thực hiện thắng lợi đề án là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải tổ chức tốt “Tết trồng cây”, trong đó lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh là nòng cốt và xung kích. Ngoài ra, “Tết trồng cây” còn có sự tham gia của các ban ngành liên quan như: Sở NN- PTNT, Công ty Môi trường đô thị, Đài PTTH tỉnh, Báo Ninh Thuận,… Các đơn vị giống cây trồng chủ động hướng dẫn kỹ thuật trồng cây, cung ứng cây có chất lượng tốt. Các cơ quan, đơn vị có nhiều biện pháp, hình thức phong phú để tuyên truyền, phát động “Tết trồng cây”, bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế giữa hộ trồng cây với đơn vị, địa phương và xã hội; điều tiết hợp lý số lượng cây trồng, lực lượng lao động giữa các đơn vị…

PV: Như vậy, cụ thể việc chọn địa bàn, số lượng, giống cây để trồng như thế nào?

Đ/c Châu Thanh Hải: Tết trồng cây được xác định phải đem lại hiệu quả thiết thực, tránh mang tính hình thức. Có nơi, cây xanh vừa được trồng đã phải phá bỏ để lấy đất thực hiện các dự án khác, gây lãng phí lớn. Có nơi, tuy đẩy mạnh phong trào trồng cây, nhưng lại chưa coi trọng cây bản địa, chất lượng cây trồng kém, thiếu chăm sóc, bảo vệ, dẫn đến tỷ lệ cây sống thấp. Ngày 20/1/2011, Ban Thường vụ tỉnh Đoàn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 289/KH-UBND xác định ngày 15 tháng Giêng hằng năm là Tết trồng cây truyền thống của Ninh Thuận, và đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần phải tính toán, xác định rõ các khu vực trồng cây xanh cho phù hợp (ví dụ: khu đô thị nên trồng các loại cây bóng mát, cây cảnh; vùng trung du, miền núi trồng cây phòng hộ; đất ven biển, ven sông trồng các loại cây có tác dụng chắn sóng, gió, cát). Diện tích đất trồng cây cần được ngành chức năng cân nhắc, tính toán phù hợp quy hoạch, môi trường tự nhiên từng vùng và quy luật sinh trưởng của cây trồng. Thực hiện Tết trồng cây cũng là dịp để các đơn vị, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay cây có giá trị kinh tế thấp bằng cây có hiệu quả kinh tế cao, hình thành các vùng cây hàng hóa theo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

PV: Sau Tết trồng cây, cây sẽ được quản lý và chăm sóc như thế nào?

Đ/c Châu Thanh Hải: Việc bảo vệ cây, bảo vệ rừng phải trở thành ý thức thường trực trong mỗi người dân. Mỗi đảng viên, cán bộ nêu cao tinh thần gương mẫu tham gia Tết trồng cây. Đặc biệt, sau Tết trồng cây, tiến hành trồng dặm, trồng bổ sung và tổng kết, rút kinh nghiệm, có khen thưởng và phê bình. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, tránh cách làm chiếu lệ cho xong việc; có cơ chế chỉ đạo sát sao, kiểm tra chặt chẽ và kiên quyết xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân xâm hại cây xanh.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.