“Mùa xuân là Tết trồng cây” đã trở thành nét đẹp truyền thống của đất nước ta và khởi đầu là từ Tết cổ truyền Kỷ Hợi (năm 1959) Bác Hồ kính yêu đã phát động Tết trồng cây trong nhân dân.
Đối với tỉnh ta- tỉnh “thừa” nắng, gió nhưng lại “thiếu” mưa đã trở thành một trong những tỉnh khô hạn nhất cả nước- thì việc trồng cây lại càng có ý nghĩa lớn lao. Nhiều năm qua, cùng với các tỉnh, thành trong cả nước tỉnh ta đã tích cực hưởng ứng Tết trồng cây. Nhờ đó, ngày càng có nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã được “xanh hóa”, vừa góp phần cải thiện môi trường, vừa nâng cao độ che phủ của rừng lên 44,3% năm 2010 và phấn đấu tăng lên 44,35% trong năm nay. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy giữa việc trồng cây gì cho phù hợp ở từng địa phương và chăm sóc để cây trồng phát triển chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến tình trạng trồng rồi lại chặt do không phù hợp-hoặc trồng xong là coi như hoàn thành nhiệm vụ! Để khắc phục tình trạng nói trên, năm nay tình ta thống nhất chọn ngày 15 tháng Giêng (Âm lịch) là ngày phát động Tết trồng cây và đây cũng là ngày Tết trồng cây hàng năm của tỉnh. Theo đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo cho các huyện triển khai trồng cây Neem và cây cốc hành ở các vùng nông thôn. Riêng các trục đường được quy hoạch đô thị của các huyện và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm sẽ trồng các loại cây bảo đảm phù hợp với đô thị theo quy định. UBND tỉnh cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho các địa phương, đơn vị chăm sóc tốt cây trồng, bảo đảm tỷ lệ sống cao. Đồng thời giao cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tạo giống cây trồng ổn định, chất lượng, đầy đủ và kịp thời để phục vụ Tết trồng cây hàng năm đạt kết quả cao.
Với những chỉ đạo cụ thể, sát thực, tin rằng ý nghĩa của việc trồng và chăm sóc cây xanh sẽ được lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp” mà tỉnh đã triển khai.
Tuấn Dũng