Cần tiết kiệm trong chi tiêu

Sau những ngày sắm sanh, chi dụng nhiều thứ cho… “đủ vui 3 ngày xuân”, hầu hết mọi người bắt đầu xem lại túi tiền để cân nhắc trong tiêu dùng hằng ngày trước tình trạng vật giá vẫn đứng ở mức cao sau Tết Nguyên đán...

Chị Tr.T.H (ở phường Tấn Tài – Tp.PR-TC) làm việc tại một doanh nghiệp TNHH xây dựng cho biết, thu nhập của chị khoảng 4 triệu đồng/tháng, cộng với thu nhập của chồng là công chức Nhà nước hơn 3 triệu đồng. Trước Tết, cả hai nhận tiền thưởng gần 7 triệu đồng nên mua sắm cũng… kha khá. “Bây giờ mình phải dè xẻn lại thôi, mới đảm bảo chi tiêu cho cả nhà 4 miệng ăn và chuyện học hành của 2 đứa nhỏ nữa.” chị H. nói.

Những chợ tự phát nhỏ lẻ trên các tuyến đường Lê Hồng Phong, 21 Tháng 8 luôn
được các bà nội trợ nhắm đến vì giá cả tương đối bình dân.

Còn ông Đạm (An Hải – Ninh Phước), thì bảo cuối tháng Chạp vừa qua, bán “mão” giàn nho gần 2 sào được trên 25 triệu đồng. Vợ chồng ông định bụng mua chiếc xe Yamaha Sirius cho con trai đang học đại học ở Sài Gòn. “Ai dè tiêu tốn cho cái Tết hơi bộn, bây giờ chỉ có thể mua cho thằng nhỏ chiếc Wave Trung Quốc để… đi tạm thôi. Tiết kiệm được đồng nào đỡ đồng đó, để còn có khoản đầu tư phân thuốc cho vụ mới nữa.” bà Liên – vợ ông Đạm – cân nhắc bảo vậy.

Khi tìm hiểu “sự tình tiết kiệm” của bà con sau Tết, một điều dễ nhận thấy là bên cạnh việc cân nhắc, tính toán chi tiêu hằng ngày, đa số người tiêu dùng có khuynh hướng tìm mua các sản phẩm khuyến mãi, ngoại trừ các mặt hàng thiết yếu như: gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm tươi sống.. . Trong khi đó, để chuẩn bị cho các ngày lễ Tình nhân (14-2), Quốc tế Phụ nữ (8-3) sắp đến, các cửa hàng kinh doanh lớn, siêu thị đang lên kế hoạch tổ chức các chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm kích cầu sau Tết. Đây có lẽ là tin vui đối với người tiêu dùng, đặc biệt là các cô, bà nội trợ

Tại cuộc họp đánh giá tình hình vui Xuân – đón Tết vừa được tổ chức hôm 6-2, đồng chí Trần Xuân Hoà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương phải thường xuyên theo dõi mọi biến động của thị trường, không để các mặt hàng tăng giá bất thường, ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm của người dân. Theo đó, ngành Công Thương cần chú trọng công tác quản lý về giá và chất lượng các mặt hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống…; lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng đầu cơ, buôn lậu, hàng nhái, hàng giả… nhằm tạo điều kiện ổn định cuộc sống người dân ngay từ những tháng đầu năm.