Theo kế hoạch, ngày 30-3, Hội nghị Xúc tiến quảng bá du lịch (DL) Ninh Thuận năm 2018 sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh sự kiện văn hóa DL này.
► Phóng viên: Xin đồng chí cho biết mục đích của việc tổ chức Hội nghị Xúc tiến quảng bá DL Ninh Thuận năm 2018 tại Thủ đô Hà Nội năm nay?
|
Đồng chí Lê Văn Bình: Ngày 30-3, tại Thủ đô Hà Nội, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến quảng bá DL Ninh Thuận năm 2018. Hội nghị dự kiến sẽ thu hút khoảng 350-400 đại biểu tham dự (bao gồm lãnh đạo các bộ, ngành; các sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư DL). Thông qua Hội nghị nhằm giới thiệu, quảng bá điểm đến và sản phẩm DL, dịch vụ của Ninh Thuận tới các doanh nghiệp DL lữ hành trong cả nước, các nhà đầu tư về tiềm năng và lợi thế phát triển DL của tỉnh, qua đó tạo dựng thương hiệu, kết nối hợp tác phát triển DL Ninh Thuận trong thời gian tới; tập trung khai thác thị trường trọng điểm tại Hà Nội và các tỉnh lân cận nhằm góp phần tăng trưởng khách nội địa một cách bền vững. Tham gia chương trình hội nghị là dịp để các đại biểu tìm hiểu rõ nét về văn hóa, con người, tiềm năng phát triển DL của tỉnh. Hội nghị Xúc tiến quảng bá DL Ninh Thuận năm 2018 còn là cơ hội cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành trong nước gặp gỡ, trao đổi, hợp tác đầu tư, kết nối phát triển DL; là cơ hội để Ninh Thuận tăng cường xúc tiến quảng bá DL.
► Phóng viên: DL đang trên đà khởi sắc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh có thể chia sẻ thêm về những tiềm năng, lợi thế và chính sách ưu đãi của tỉnh ta dành cho nhà đầu tư vào DL Ninh Thuận?
Vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, điểm du lịch hấp dẫn của huyện Ninh Hải. Ảnh: Lê Văn Hùng
Đồng chí Lê Văn Bình: Ninh Thuận là tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là đường sắt Bắc-Nam, Quốc lộ 1A và Quốc lộ 27 và cách sân bay quốc tế Cam Ranh 50km về phía Bắc. Là tỉnh có nhiều vùng sinh thái, khí hậu khác nhau: vùng biển, vùng đồng bằng, trung du và miền núi gắn liền với các tiềm năng có thể khai thác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là DL. Định hướng của Ninh Thuận là phát triển DL toàn diện cả DL biển, DL sinh thái và DL văn hóa.
Với chiều dài bờ biển 105 km có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng từ lâu như Ninh Chữ, Cà Ná, một số bãi biển/vịnh biển, đồi cát đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và khách DL như: Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh, Nam Cương, Cà Ná. Các khu DL biển đều gắn với các vùng sinh thái đặc thù, trong đó có Vườn Quốc gia Núi Chúa, Vườn Quốc gia Phước Bình thuộc hệ thống các khu rừng đặc dụng của quốc gia gắn liền biển, là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, biển Nam Trung Bộ, đặc biệt là nơi bảo tồn loài Rùa biển vàng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Các bãi rạn san hô biển với trên 356 loài phân bố ở vùng ven biển Vĩnh Hy-Thái An, đồi cát Nam Cương-Phú Thọ cũng đang được bảo tồn và khai thác DL. Du khách sẽ không thể bỏ qua con đường ven biển đang được hình thành để từ trên cao ngắm các vũng vịnh, bãi tắm liên hoàn suốt chiều dài bờ biển Ninh Thuận.
Đông đảo du khách tham quan Tháp Pô Klong Garai. Ảnh: Văn Miên
Văn hóa các dân tộc cũng là một thế mạnh về DL. Ở Ninh Thuận có các công trình kiến trúc tháp Chăm huyến bí, xây dựng gắn với lễ hội của người Chăm cùng nghệ thuật ca múa nhạc dân gian đặc sắc trong tiếng trống Ghinăng, tiếng đàn Baranưng, điệu múa Apsara; có làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc có truyền thống lâu đời. Ở miền núi, các dân tộc Raglai, Kơ-ho, ... có nhiều lễ hội dân gian độc đáo như: lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới, có nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc độc đáo như đánh mả la, thổi khèn bầu, đàn đá, đàn Chapi. Ở miền biển, ngư dân có các lễ cầu ngư, hội đua thuyền, lắc thúng, … Trong hành trình khám phá mảnh đất Ninh Thuận đầy nắng, gió bên cạnh những bờ biển hoang sơ quyến rũ thì những vườn nho xanh mướt bạt ngàn đang vào mùa chín mọng, đồng muối trắng xóa lấp lánh ánh nắng, những đồng cỏ hoang sơ với đàn cừu, đàn dê tạo nên bức tranh mang dáng dấp của vùng du mục là địa điểm không nên bỏ qua khi đặt chân đến đây.
Phải nói rằng, Ninh Thuận hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển đa dạng các loại hình DL. Tiềm năng DL ở Ninh Thuận là rất lớn và đã có bước phát triển tương đối mạnh mẽ, đang trở thành ngành kinh tế quan trọng và hướng đến là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Hoạt động của ngành DL phát triển rõ nét, bình quân mỗi năm tăng trưởng 15% lượng khách, 17,7% doanh thu DL. Tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 325 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận địa điểm đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 115.000 tỷ đồng, trong đó, có 48 dự án đầu tư về DL trên địa bàn toàn tỉnh, diện tích khoảng 1.800 ha, tổng vốn đầu tư gần 15.300 tỷ đồng (trong đó dự án Ecopark 4.700 tỷ đồng).
Về ưu đãi đầu tư, Ninh Thuận thuộc địa bàn khuyến khích đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất cả nước. Ngoài ra, tỉnh chủ trương dành các ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là được hưởng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu. Đồng thời, các nhà đầu tư, doanh nghiệp luôn được khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư thông thoáng, nhanh chóng để tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh tại tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, tỉnh ưu tiên các dự án đầu tư DL (tập trung phát triển các loại hình DL có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh, bao gồm DL biển, DL sinh thái, DL văn hóa và dịch vụ phục vụ DL, hình thành các khu DL trọng điểm của cả nước với các loại hình DL độc đáo, tạo ra sự khác biệt, có tính cạnh tranh cao, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm DL đa dạng; xây dựng du lịch Ninh Thuận trở thành du lịch trọng điểm của cả nước.
► Phóng viên: Thưa đồng chí, để đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian đến tỉnh sẽ triển khai những giải pháp gì?
Đồng chí Lê Văn Bình: Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển DL thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đúng theo quy hoạch phát triển KT-XH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 và Chương trình hành động số 134/CTr-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển DL về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển ngành DL trở thành kinh tế mũi nhọn; phát triển du lịch tạo ra sự khác biệt mang tính đặc trưng riêng có của Ninh Thuận, giữ gìn, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị cảnh quan, môi trường, thiên nhiên ban tặng; thời gian đến, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ DL; khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ DL. Tăng cường liên kết vùng, miền, đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá, hợp tác quốc tế, mở rộng không gian và thị trường DL để thu hút khách. Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển DL, xây dựng văn hóa DL; tăng cường công tác quy hoạch, hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển DL; công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực DL; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực DL.
Trong công tác xúc tiến quảng bá đầu tư, tỉnh tích cực vận động, tăng cường tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư có tiềm năng, đưa các thông tin quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh lên các phương tiện, kênh thông tin có uy tín. Đồng thời, thực hiện đúng các cam kết với các nhà đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm DL để đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
► Phóng viên: Cảm ơn đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Ninh Thuận cuộc trao đổi này!
Xuân Bính