Mặc dù mang lại hiệu quả nhất định, tuy nhiên do đặc thù loại hình nuôi các lồng bè phải di dời thường xuyên theo hướng gió của biển, nên việc xác định vị trí nuôi gặp không ít khó khăn. Mặt khác, người dân chủ yếu thả nuôi tự phát nên chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất, dẫn đến tỷ lệ hao hụt khá cao khi thả giống… Nhằm thay đổi cách nuôi, hướng đến nâng cao năng suất và giá trị của cá bớp, tháng 5-2017, Hội Nông dân xã thành lập thí điểm mô hình Tổ hội nghề nuôi cá bớp với 12 thành viên thuộc thôn Mỹ Tân 1 với khoảng 2,5 ha diện tích mặt nước. Ông Đỗ Mỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hải nhìn nhận, chỉ sau thời gian ngắn thành lập, Tổ hội bước đầu hoạt động hiệu quả rõ nét. Không chỉ giúp người dân khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà còn đảm bảo năng suất, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia.
Từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nuôi cá bớp
tại xã Thanh Hải mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập. Ảnh: Thế Quang
Là một trong những thành viên tham gia vào tổ, anh Võ Thắng chia sẻ: Gia đình có 4 lồng nuôi cá, trên diện tích 80 m2, thu nhập mỗi năm đạt từ 150-200 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi tôi đều thực hiện theo kinh nghiệm nên sản lượng thu hoạch chưa được như mong muốn. Khi tham gia vào tổ nuôi cá bớp, chúng tôi thống nhất thực hiện đồng bộ các quy trình từ khâu lựa chọn giống, cách vệ sinh lồng cũng như thời vụ thả nuôi… Ngoài ra, khi gặp khó khăn trong quá trình nuôi, anh em trong tổ đều họp bàn tìm hướng tháo gỡ, giải quyết và xử lý kịp thời các vấn đề vướng mắc. Đặc biệt, việc nuôi cá bớp thường kéo dài từ 9-10 tháng nên số lượng thức ăn đảm bảo cho cá nuôi tốn rất nhiều chi phí. Nếu như trước đây, hộ nuôi chủ yếu mua thức ăn từ các đại lý bên ngoài có giá từ 30-35 ngàn đồng/kg, khi tham gia vào tổ, thức ăn được mua với số lượng lớn tại những nơi cung cấp uy tín, giá thành cũng được giảm đáng kể. Từ đó, mỗi thành viên tiết kiệm từ 5-10 triệu đồng tùy vào số lượng cá thả.
Để tạo điều kiện cho hội viên có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, thành viên tham gia được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi. Ông Nguyễn Thanh Dầu, Tổ trưởng Tổ hội nghề nuôi cá bớp cho biết: Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, 12 hộ nuôi cá thuộc Tổ hội đã được giải ngân vay vốn với số tiền 30 triệu đồng/hộ. Qua đó, giúp các thành viên có cơ hội đầu tư mở rộng diện tích nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn định kỳ chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật, mùa vụ thả nuôi… Đồng thời, cung cấp thông tin về các đầu mối tiêu thụ nên chúng tôi không phải lo lắng về đầu ra.
Theo ông Trần Ngọc Tuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Hải, về lâu dài, huyện chủ động quy hoạch vùng nuôi cá bớp tập trung để tạo ra sản phẩm hàng hóa; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân liên kết tham gia vào tổ hội; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất; tích cực xây dựng thương hiệu cho nghề nuôi cá bớp ở địa phương phát triển bền vững trong thời gian tới.
Hồng Lâm