Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Công Thương xác định, trước hết phải tập trung huy động tốt nhất các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục động viên, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) nỗ lực vượt qua khó khăn, đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, chủ động liên doanh, liên kết trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm hiện có. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), nhất là các dự án điện mặt trời đã có quyết định chủ trương đầu tư, phấn đấu trong năm 2018 khởi công từ 4-5 dự án và đưa vào vận hành 2-3 dự án. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng của cả nước, nhằm tạo sức bật mới để vươn lên.
Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận gia công hàng may xuất khẩu. Ảnh: V.T
Bằng tinh thần quyết tâm cao, sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực CN bước đầu đã tạo ra những hiệu quả khá rõ nét. Trong đó, có một số dự án như: Nhà máy Điện gió Đầm Nại giai đoạn II (của Liên doanh các nhà đầu tư Công ty Cổ phần TSV và Tập đoàn The Bule Circle); Nhà máy Điện mặt trời Dự án BIM 1 (Tập đoàn BIM Group cùng đối tác AC Energy- Công ty thành viên mảng Năng lượng thuộc Tập đoàn Ayala của Philippines) đã được khởi công mới. Cả 2 dự án nói trên dự kiến trong quý III-2018 sẽ hoàn thành, trong đó: Nhà máy Điện gió Đầm Nại giai đoạn II có công suất 30 MW, tổng vốn đầu tư 60 triệu USD, khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp khoảng 110 triệu kWh điện cho lưới điện quốc gia; Nhà máy Điện mặt trời Dự án BIM 1 có tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, được lắp đặt hơn 90.000 tấm pin năng lượng mặt trời, khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp sản lượng điện hằng năm khoảng 48 triệu kWh.
Công nhân vận hành Nhà máy dệt Quảng Phú. Ảnh Văn Nỷ.
Về tình hình hoạt động sản xuất, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất CN chủ lực, như: Công ty Bia Sài Gòn – Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang, Nhà máy dệt Quảng Phú..., đã bắt tay tổ chức sản xuất sớm, với không khí sôi nổi nên nhiều sản phẩm sản xuất tăng khá cao. Cụ thể: Muối biển tăng 4,6 lần so với cùng kỳ; bao bì giấy tăng 23,3%; khăn bông các loại tăng 15%; tôm đông lạnh tăng 10,7%; sợi tăng 10,6%; bia lon tăng 7,8%; gel nha đam tăng 9,8%; đường RS tăng 10,8%; may mặc tăng 6,5%; điện sản xuất tăng 12,3%; điện thương phẩm tăng 15,5%. Riêng nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng tiếp tục tăng do phục vụ việc hoàn thành các công trình xây dựng cuối năm nên gạch không nung tăng 2,8 lần; đá xây dựng tăng 26,1%; đá granite tăng 12,5%; xi măng tăng 5,2%... Kết quả trên đã góp phần đưa chỉ số sản xuất CN trong 2 tháng đầu năm tăng 14,3% so với cùng kỳ. Trong đó, CN khai khoáng tăng 45,3%; CN chế biến, chế tạo tăng 15,5%; CN sản xuất, phân phối điện tăng 5,9%; CN cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,7%.
Điểm đáng chú ý nữa đó là, từ đầu năm đến nay một số dự án trong lĩnh vực chế biến như: Nhà máy chế biến muối (Chi nhánh Cty Cổ phần muối Khánh Vinh); Nhà máy chế biến nước mắm (Công ty TNHH Thái Phong Seafood); Xưởng sản xuất và chế biến nước mắm (Công ty Cổ phần thủy sản Kinh Đô Nha Trang); Xưởng sản xuất gạch Nam Châu Sơn Block (Công ty Cổ phần Nam Châu Sơn Ninh Thuận); Nhà máy chế biến muối tinh (Công ty TNHH SX-KD muối Tri Hải)..., cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để đưa vào hoạt động, hứa hẹn tạo năng lực mới, đóng góp vào sự tăng trưởng cho ngành trong thời gian tới là rất lớn.
Với sự khởi đầu thuận lợi như đã nêu trên, tin rằng trong năm 2018, ngành CN sẽ có nhiều khởi sắc mới, tạo động lực đưa kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển, góp phần cùng các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.
Văn Thanh