Tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả; gian lận về đo lường chất lượng, về giá, trốn lậu thuế; khai thác, mua bán lâm sản, động vật rừng hoang dã, quý hiếm trái phép... Để thực hiện có hiệu quả các nội dung nói trên, Ban chỉ đạo 389/ĐP đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị liên quan, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với diễn biến thị trường tại địa phương.
Cán bộ Chi cuc Quản lý thị trường kiểm tra và thu giữ hàng nhập lậu.
Ông Trần Minh Khoa, Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường – Phụ trách Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP địa phương cho biết: Dù không có cửa khẩu, nhưng tình hình buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Điều đáng lo ngại là hàng lậu khi được tuồn vào thị trường tỉnh ta không chỉ tiêu thụ ở địa bàn thành phố, trung tâm các huyện mà còn len lỏi sâu đến các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa với mức độ ngày càng nhiều. Các mặt hàng được phát hiện bắt giữ chủ yếu: Thuốc lá ngoại, rượu ngoại, súng nhựa, quần áo, mũ bảo hiểm..., có xuất xứ nhiều nước khác nhau. Mặc dù các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng này vẫn chưa được đẩy lùi. Chỉ tính riêng trong năm 2017, qua kiểm tra, kiểm soát các đơn vị đã phát hiện và xử lý 1.456 vụ vi phạm, với tổng số tiền trên 24,3 tỷ đồng. Trong đó, có 763 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 686 vụ gian lận thương mại và 7 vụ kinh doanh hàng giả.
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, phương thức và thủ đoạn mà đối tượng buôn lậu thường sử dụng để đưa hàng vào địa bàn tỉnh ta đó là chúng mua hàng hoá trôi nổi ở các chợ biên giới, cửa khẩu ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung với số lượng lớn hơn số lượng ghi trong hoá đơn, sau đó ngụy trang bằng cách đóng chung các loại hàng cấm, hàng nhập khẩu trái phép xen lẫn với các kiện hàng hợp lệ khác. Ngoài các thủ đoạn trên, các đối tượng còn thuê người sử dụng điện thoại di động canh đường, hoặc áp tải theo xe để theo dõi hoạt động của lực lượng chống buôn lậu. Khi phát hiện có lực lượng chức năng, chúng thông báo cho đồng bọn tẩu tán hàng bằng cách “tăng bo” hoặc thuê xe ôm chở hàng vào các điểm quen để gửi, gây khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Với quyết tâm đẩy lùi tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389/ĐP địa phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; các sở, ngành, địa phương phải xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Trong đó, Sở Công Thương, đơn vị thường trực Ban chỉ đạo 389/ĐP cần chủ trì và phối hợp các, sở, ngành tăng cường công tác quản lý hành chính trên lĩnh vực thương mại, chú trọng công tác dự báo nhằm phát hiện nhanh, chính xác các vấn đề xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là tăng cường tuyên truyền và vận động quần chúng, doanh nghiệp không tham gia và tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển mua bán hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả. Cùng với đó, ngành Công Thương cần hướng dẫn các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, mở rộng thị trường đến vùng nông thôn, miền núi, tạo thị trường lưu thông thông suốt, giá cả ổn định. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định niêm yết giá bán, kiên quyết xử lý đối với các hành vi gian lận thương mại, nhất là trong kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm phân bón..., tránh tình trạng găm hàng, đầu cơ, nâng giá gây ra những cơn sốt giá ảo về hàng hoá. Việc thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện nghiêm túc nhưng tránh tình trạng chồng chéo, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.
Văn Thanh