1. Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ mất an ninh lương thực trên toàn châu Phi.
Khoảng 224 triệu người trên toàn châu Phi đang bị suy dinh dưỡng do biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột trong khu vực đã khiến gia tăng tình hình mất an ninh lương thực tại lục địa này. Đây là cảnh báo của Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) Bukar Tijani đưa ra tại lễ khai mạc một hội nghị về châu Phi do FAO tổ chức tại thủ đô Khartoum, Sudan ngày 19-2.
Theo ông Tijani, tỉ lệ suy dinh dưỡng tại châu Phi đã tăng từ 21% lên tới gần 23% từ năm 2015 đến 2016, tương đương mức tăng từ 200 triệu người lên 224 triệu người. Đây là điều đáng lo ngại bởi dân số ở lục địa này ước tính lên tới 1,7 tỷ người vào năm 2030. Ông Tijani cho rằng số người suy dinh dưỡng gia tăng và tình hình mất an ninh lương thực có liên quan tới biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai như lũ lụt, hạn hán, mùa màng thất bát. Ngoài ra, các cuộc xung đột ở các nước như Somalia, Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi cũng "góp phần" dẫn tới tình hình này.
Quan chức Liên hợp quốc cảnh báo rằng mất an ninh lương thực là nguyên nhân chính đẩy ngày càng nhiều người tại nhiều khu vực phải rời bỏ nhà cửa. Khoảng 1 triệu người Nam Sudan đã vượt biên giới để trở thành dân tị nạn bởi họ phải chạy trốn tình trạng bạo lực tại nước mình. Tuy nhiên, ông Tijani cũng đưa ra thông báo tích cực khi nói rằng kinh tế châu Phi đang có sự cải thiện và thị trường lương thực và nông nghiệp ước tính lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030, tạo cơ hội cho các khoản đầu tư mới vào châu lục này.
Theo kế hoạch, hội nghị nêu trên sẽ kéo dài 5 ngày để thảo luận về những nỗ lực xóa đói giảm nghèo và tình hình mất an ninh lương thực ở châu Phi.
2. Vụ xả súng ở Florida: Học sinh khắp các trường ở Mỹ biểu tình phản đối bạo lực súng đạn.
Trong làn sóng biểu tình rộng khắp từ Arizona đến Maine, học sinh tại hàng chục trường trung học ở Mỹ đã nghỉ học ngày 21-2 để tham gia biểu tình phản đối tình trạng bạo lực liên quan đến súng đạn và để tưởng niệm các nạn nhân của vụ xả súng tại bang Florida tuần trước.
Những sự phản đối lan truyền khắp các trường học của Mỹ khi học sinh chia sẻ kế hoạch biểu tình tuần hành thông qua mạng xã hội. Nhiều trường dành 17 phút tưởng niệm 17 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida.
Hàng trăm học sinh từ các trường học ở Maryland đã nghỉ học để tập hợp tại trụ sở Quốc hội Mỹ. Hàng trăm học sinh khác từ nhiều trường ở các thành phố từ Chicago (Si-ca-gâu) cho tới Pittsburgh, thủ phủ Austin của bang Texas cùng tham gia các cuộc tuần hành, chủ yếu diễn ra vào giờ trưa. Tại Florida, số học sinh tham gia lên đến hàng nghìn. Tại thủ đô Washington, các học sinh đã dành một thời gian yên lặng để mặc niệm các nạn nhân của vụ xả súng ở Parkland.
Các cuộc biểu tình tuần hành nhằm gây sức ép hối thúc cơ quan lập pháp cần có hành động để kiểm soát việc sử dụng súng đạn. Các học sinh kêu gọi công bằng cho những nạn nhân vô tội trong các vụ xả súng ở Orlando, Las Vegas và Parkland xảy ra thời gian gần đây. Các học sinh tham gia các cuộc tuần hành liên tục hô vang khẩu hiệu "Never again" (Không bao giờ lặp lại), khẩu hiệu đã được đưa ra kể từ vụ xả súng ở Florida.
Những lời kêu gọi nhằm trực tiếp vào việc kiểm soát súng trường AR-15, loại súng mà nghi phạm xả súng ở Floria là Nikolas Cruz, 19 tuổi đã mua một cách hợp pháp. Một số kêu gọi ban hành lệnh cấm người dân sử dụng súng AR-15 và các loại súng trường khác chỉ được sử dụng trong quân đội.
3. Hàn Quốc coi đối thoại là chìa khóa phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này coi các cuộc đàm phán liên Triều và đàm phán Mỹ - Triều là "các trụ cột chính" trong mọi cuộc đối thoại nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong một báo cáo về các biện pháp chính sách sẽ thực hiện trong năm nay và đã được trình lên Quốc hội, bộ trên tuyên bố sẽ nỗ lực tăng cường sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế về sự cần thiết phải thiết lập một sự liên kết chặt chẽ giữa cải thiện quan hệ với Triều Tiên và giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết: "Bộ sẽ thúc đẩy đối thoại toàn diện trong khi duy trì các cuộc đàm phán liên Triều và Mỹ - Triều như các trụ cột chính". Khi cuộc đối thoại trên bắt đầu trong tương lai gần nhất, Hàn Quốc sẽ thảo luận với các nước liên quan về các cách thức nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách "toàn diện và từng bước" và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng thông báo sẽ tập trung các nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy bầu không khí hòa giải từ việc Triều Tiên tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc thành các nỗ lực xây dựng hòa bình trong khu vực và giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, tuyên bố cũng nhấn mạnh chừng nào Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển hạt nhân thì Seoul sẽ tiếp tục nỗ lực tạo ra sự thay đổi trong phương hướng của Triều Tiên bằng cách cùng với cộng đồng quốc tế tăng cường chiến dịch trừng phạt và gây sức ép.
Không khí hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên đã trở lại sau khi Triều Tiên cử đoàn vận động viên tham gia Olympic PyeongChang 2018 và mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng để tiến hành cuộc hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3.
C.Đ