1. Tình hình ở Maldives có thể còn trầm trọng hơn nữa. Ông Miroslav Jenca, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đã đưa ra cảnh báo trên trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 8-2.
Theo các nguồn tin Liên hợp quốc, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an, ông Jenca nhấn mạnh mặc dù không có thông tin nào về các vụ đụng độ bạo lực, song tình hình ở Maldives vẫn căng thẳng và thậm chí có thể còn trầm trọng hơn nữa. Đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Maldives, bùng phát hôm 1-2 sau khi Tổng thống Abdulla Yameen ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày và ra lệnh bắt giữ các thẩm phán thuộc Tòa án Tối cao khi tòa này ra phán quyết về việc phóng thích các thủ lĩnh chính trị đối lập. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không đưa ra tuyên bố nào sau cuộc họp.
Trước đó, Trợ ký Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng đã điện đàm với Ngoại trưởng Maldives, đồng thời yêu cầu chính quyền của Tổng thống Yameen thả ngay Chánh án Tòa án Tối cao. Theo ông, Chính phủ Maldives cần giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị thông qua đối thoại với sự tham dự của tất cả các đảng phái và Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán này. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Chính phủ Maldives dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp và đảm bảo an toàn cho công dân nước này, "kể cả các thành viên thuộc bộ máy tư pháp".
Maldives rơi vào khủng hoảng chính trị sau cuộc binh biến năm 2012 lật đổ Tổng thống dân chủ đầu tiên được bầu Mohamed Nasheed. Trong cuộc bầu cử một năm sau đó, đương kim Tổng thống Yameen đã đánh bại ông Nasheed. Tiếp đó, ông Nasheed bị bắt giam do các cáo buộc khủng bố, song được phép đến Anh chữa bệnh hồi tháng 1-2016. Ông sống lưu vong từ đó và hiện đang ở Sri Lanka.
Ngày 1-2 vừa qua, Tòa án Tối cao ra phán quyết về việc thả các thủ lĩnh chính trị đối lập, trong đó có cựu Tổng thống Mohamed Nasheed và cựu Phó Tổng thống Ahmed Adeeb. Phe đối lập hy vọng phán quyết trên của Tòa án Tối cao sẽ mở đường giúp ông Nasheed có thể về nước, tham gia vào cuộc đua tranh chức tổng thống, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Yameen đã từ chối tuân thủ phán quyết trên.
Cộng đồng quốc tế đã khuyến cáo công dân không nên đến Malidives trong thời điểm này.
2. Thủ tướng Anh tái khẳng định không tổ chức cuộc trưng cầu ý dân mới
Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May tái khẳng định sẽ không tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8-2, người phát ngôn của bà May cho biết: "Quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này rất rõ ràng, Anh đã bỏ phiếu rời khỏi EU, đó là điều chúng ta sẽ thực hiện và sẽ không có cuộc trưng cầu thứ hai nào".
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi tỷ phú George Soros đã quyên góp được 400.000 bảng Anh (555.000 USD) cho chiến dịch nhằm gây ảnh hưởng buộc các nghị sĩ Anh bỏ phiếu phản đối thỏa thuận Brexit cuối cùng. Cuộc quyên góp này đã được quảng cáo trên cả nước với hy vọng dẫn tới việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân mới nhằm giữ Anh ở lại EU.
Gần một năm kể từ khi Anh chính thức kích hoạt theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon, bắt đầu tiến trình đàm phán đưa Anh rời EU, hai bên mới chỉ đạt được thỏa thuận nguyên tắc về hóa đơn "ly hôn" và vấn đề chia tách. Hiện giữa hai bên đã xuất hiện bất đồng về vấn đề các công dân EU chuyển tới Anh sau thời điểm Brexit nhưng vẫn trong giai đoạn chuyển tiếp có được hưởng cùng các quyền với những người đã chuyển sang Anh trước đó hay không.
3. Peru đầu tư lớn khắc phục hậu quả hiện tượng El Nino.
Trong năm 2018, Chính phủ Peru dự kiến đầu tư gần 2,19 tỷ USD cho công tác tái thiết các khu vực chịu tác hại của hiện tượng thời tiết “El Nino duyên hải”, từng tác động tới quốc gia Nam Mỹ này từ tháng 1 đến tháng 4-2017.
Giám đốc Cơ quan Tái thiết trước thay đổi của Peru, Edgar Quispe cho biết số tiền trên sẽ được dành chủ yếu cho các công trình hạ tầng cơ sở, đặc biệt là đường bộ và nhà ở cho cả 13 bang chịu tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan này. Dự kiến, khoảng 286.000 người dân chịu tác động trực tiếp cùng 1,56 triệu người khác chịu tác động gián tiếp từ các trận mưa lũ và sạt lở đồi núi do “El Nino duyên hải” gây ra sẽ nhận được hỗ trợ từ gói ngân sách này.
Khu vực ven biển tại Tây Bắc Peru, giáp ranh với nước láng giềng Ecuador, nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của El Nino, sẽ là nơi triển khai các dự án đầu tiên trong tuyến ngân sách này.
Theo thống kê chính thức, trong gần 4 tháng hoành hành tại Peru trong năm ngoái, “El Nino duyên hải” – hiện tượng nhiệt độ tăng cao bất thường tại các vùng biển gần bờ (tại Peru và cả Ecuador) khiến độ ẩm tăng đột biến và mưa lũ lớn – đã khiến 162 người thiệt mạng, 19 người mất tích, gần 500 người bị thương cùng thiệt hại vật chất hàng tỷ USD.
CĐ