Nhắc tới Người là nhắc tới một tâm hồn cao thượng, một nhân cách lớn, cả cuộc đời của Người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, hoa đào nở rộ, cuộc sống bình yên, không một người Việt Nam nào lại không nhớ tới Bác Hồ. Vào những ngày Tết dân tộc, Bác vẫn dành trọn các ngày nghỉ của mình để đi thăm và chúc Tết đồng bào và chiến sĩ.
Đối với Bác Hồ, việc đi thăm và chúc Tết đã trở thành nếp. Bởi Bác cho rằng đây là lúc có thể hiểu được đầy đủ đời sống, tâm tư của người lao động, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của Người, được thấy nhân dân nô nức, phấn khởi, mọi nhà đoàn tụ, đầm ấm tận hưởng niềm vui sau một năm làm việc vất vả. Bác vẫn thường nói: “Đấu tranh giành được độc lập rồi nhưng chỉ độc lập thực sự khi nhân dân được hưởng ấm no hạnh phúc”. Vì quan niệm về độc lập, về sự ấm no hạnh phúc của nhân dân đơn giản nhưng sâu sắc ấy mà kể từ khi nước nhà được khai sinh cho đến khi Bác đi vào cõi vĩnh hằng, gần như năm nào Bác cũng đi chúc Tết đồng bào. Xuất phát từ tình thương bao la của Người, nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bác với người lao động, đặc biệt là người nghèo, đầy xúc động và ấm tình người. Vào đêm giao thừa của Tết đầu tiên sau ngày nước nhà giành được độc lập, Bác và đồng chí Thư ký cùng đi trong một ngõ tối trên phố Sinh Từ đến thăm một người kéo xe thuê ở một tỉnh khác về làm ăn. Do không đủ tiền về quê ăn Tết, lại bị ốm, đang lên cơn sốt, Bác đứng lặng nhìn người kéo xe với tất cả lòng thương cảm và nhân ái. Và rồi Bác dặn Thư ký hôm sau mang thuốc và quà đến hỏi thăm, động viên. Trên đường về, Bác nói: “Ba mươi Tết mà không có Tết”. Câu nói ấy ngắn gọn nhưng tựa như lời trách mình, nhắc nhở mình về trách nhiệm chăm lo Tết cho người lao động nghèo khổ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần thăm hỏi bà con xã Tam Sơn, Tiên Sơn (tỉnh Hà Bắc cũ)
trong dịp về thăm và chúc Tết đồng bào ngày 9-2-1967. Ảnh tư liệu
Rồi sáng ngày mồng một Tết, Bác đã mời đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội lên nhắc nhở, phê bình vì không thực hiện thư của Người về tổ chức Tết, dẫn đến nhiều gia đình nghèo không có Tết và yêu cầu đồng chí Chủ tịch sửa chữa khuyết điểm. Kết quả, Tết năm sau, hầu hết các gia đình nghèo đều được hưởng Tết do có sự phối, kết hợp các đội tuyên truyền, nhân dân đường phố đã vận động tương trợ, giúp đỡ các gia đình nghèo có Tết.
Có nhiều cuộc gặp các gia đình nghèo trong Tết, nhưng có lẽ cuộc gặp gỡ gia đình chị Nguyễn Thị Tín với Bác là một trong những cuộc gặp cảm động nhất. Chị Tín là người gánh nước thuê ở ngõ 16 Lý Thái Tổ, trong đêm 30 mưa phùn gió bấc của Tết Nhâm Dần. Hoàn cảnh của chị, chồng mất sớm, một mình chị tần tảo nuôi bốn con nhỏ, nên đêm 30 Tết chị vẫn phải đi gánh nước thuê. Với đôi gánh trên vai, vừa ra ngõ thì gặp Bác. Quá bất ngờ, đôi gánh trên vai chị rơi xuống đất. Tay chị run run nắm lấy tay Bác và nói trong sự nghẹn ngào xúc động: “Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm!”. Bác nhẹ nhàng: “Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...”. Nói rồi Bác bước vào trong nhà, nhìn căn phòng tuềnh toàng và trên bàn thờ tổ tiên chỉ có nải chuối xanh, trong khi 4 đứa con chị đang chia nhau một gói kẹo, một ánh mắt buồn sâu thẳm trên khuôn mặt hiền từ của Bác. Bác lấy kẹo chia cho các cháu, lấy chiếc bánh chưng được chuẩn bị sẵn đặt lên bàn thờ. Chị Tín nhìn Bác trong hai hàng nước mắt lăn trên hai gò má gầy guộc xanh xao. Có hạnh phúc nào lớn hơn khi một vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng quan tâm tới gia đình mình. Thực sự là hạnh phúc lớn lao không gì so sánh nổi.
Những câu chuyện về sự quan tâm của Bác Hồ với người lao động nghèo là những dẫn chứng cụ thể nhất, sinh động nhất. Bởi Hồ Chí Minh là tấm gương sáng trong việc nói và làm, nhiều khi làm mà không nói.
Đón Xuân, đón Tết là dịp để mỗi người dân Việt Nam nhớ về tổ tiên, ông bà; cầu mong những điều an lành, hạnh phúc. Tết là dịp để mọi người đi lại thăm hỏi, chúc những điều may mắn, tốt đẹp. Thế nhưng cũng có nơi, có chỗ lạm dụng đón Xuân để tổ chức vui chơi linh đình, tốn kém, hơn thế nữa là có nội dung trái với lối sống văn hóa, truyền thống của dân tộc.
Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Bác từng căn dặn: Suốt năm, chúng ta thi đua lao động, sản xuất, những ngày Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào Xuân. Việc đó đúng. Nên chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ, lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm, đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân”.
Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Bác viết: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ,... cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm... cái gì mới mà hay, thì ta phải làm... làm thế nào cho đời sống của dân ta vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới”. Trong gia đình, Bác nêu rõ: “Phải trên thuận dưới hòa... ăn tiêu phải có kế hoạch, cưới hỏi, giỗ, Tết nên tiết kiệm, ăn ở sạch sẽ, thân mật và sẵn lòng giúp đỡ xóm giềng, gia đình, hăng hái làm việc nước”.
Đời sống mới theo quan niệm của Hồ Chí Minh, không phải cao xa gì, cũng không khó khăn gì. Ta chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông trong đời sống của mọi người, mà cụ thể là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc.
Cứ mỗi độ Tết đến, đâu đó vẫn có cơ quan, đơn vị với mọi hình thức, từ liên hoan, tổng kết, rồi quà biếu, phong bì... với đủ lý do hợp lý và tiêu tốn một nguồn kinh phí không nhỏ, trong lúc này vẫn còn nhiều gia đình lao động nghèo vất vả lo toan kiếm sống chật vật. Tết này sẽ ra sao? Đó là câu hỏi lớn cho toàn xã hội, mà mỗi chúng ta với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, cùng là dòng giống con Lạc cháu Hồng hãy chung tay, góp sức để cả dân tộc đón xuân ấm áp tình người như mong muốn của Bác Hồ kính yêu là dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, cuộc sống của nhân dân thực sự ấm no, hạnh phúc.
Trong suốt thời gian 1942-1969, năm nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có thơ chúc Tết gửi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài nhằm khen ngợi thành tích của một năm công tác và đề ra nhiệm vụ, phương hướng cho năm mới, động viên mọi người hăng hái tiến lên hoàn thành nhiệm vụ mới. Qua đây ta thấy sự quan tâm động viên sâu sắc của Người trong dịp đầu Xuân thể hiện sự trân trọng của Người đối với cái Tết truyền thống của dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang trên đà đổi mới, một năm mới đang đến gần, thời cơ đang mở ra, nhưng cũng đầy khó khăn và thách thức. Toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như mong muốn của Người: “Quốc thái dân an”. Cả nước đón Xuân về, Tết Nguyên đán đang đến rất gần, dân tộc ta nguyện mãi mãi sẽ không quên những lời căn dặn của Bác, xứng đáng là con cháu Cụ Hồ.
Nguồn Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh