Ở tỉnh ta có nhiều nơi làm bánh tráng, nhưng quy mô nhất là ở Xóm Bánh, thuộc phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm). Theo các cụ cao niên, nghề bánh tráng ở đây hình thành cách đây trên 300 năm, gắn liền với lịch sử khai khẩn lập làng. Khi xưa, Xóm Bánh được biết đến là “thủ phủ” của làng nghề sản xuất bánh tráng, với hàng trăm lò bánh hoạt động nhộn nhịp quanh năm. Ngày nay, cùng với xu thế phát triển chung của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, hoạt động sản xuất bánh tráng truyền thống thu hẹp, còn vài chục hộ theo nghề, sản xuất thủ công, giữ nguyên nếp xưa cũ. Chị Bùi Thị Tư, có thâm niêm trong nghề bánh tráng 20 năm, tâm sự: Hiện nay ngoài thị trường, trong siêu thị có nhiều loại bánh tráng khách hàng tha hồ lựa chọn, nhưng là người Ninh Thuận đa phần thích dùng bánh tráng Xóm Bánh bởi có độ dai, dẻo, mùi thơm đặc trưng nhờ được làm bằng 100% bột gạo hạt tròn sản xuất ở vùng nắng gió. Từ 20 Tết trở đi, bà con đặt tôi làm bánh tráng rất đông, người ít cũng vài chục xấp, không chỉ ăn trong gia đình, mà còn dùng biếu người thân, coi như chút quà nhỏ thể hiện tấm lòng chân thành, tình cảm của người ở quê. Những ngày giáp Tết, từ sáng sớm các hộ đã sáng đèn, đốt lò tráng bánh nhộn nhịp.
Sản phẩm nước mắm chất lượng cao của Cơ sở nước mắm Hương Miền Trung phục vụ
Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Ảnh:Văn Nỷ
Cùng với làng nghề bánh tráng, làng bánh hỏi Phước Khánh (Phước Thuận, Ninh Phước) cũng tất bật vào Xuân. Ngôi làng nằm nép mình bên dòng sông Dinh những ngày này khách vào ra tập nập, có cả con, em Ninh Thuận đi làm ăn xa về quê đón Tết rủ nhau đến đây thưởng thức món bánh hỏi lòng heo trứ danh thấm sâu trong ký ức. Các hộ làm nghề bánh hỏi những ngày cuối tháng Chạp vì thế làm việc “bằng đôi”. Anh Nguyễn Thành Tâm, cho hay: Trước Tết có nhiều lễ cúng kiếng theo phong tục truyền thống của người Việt. Trên mâm cỗ giỗ tổ thợ may, thợ nề, tất niên… ít khi thiếu bánh hỏi. Bánh hỏi Phước Khánh được nhiều người thích dùng, do sản xuất bằng bí quyết gia truyền, đảm bảo ngon, sạch. Ai đã một lần thử bánh hỏi ở đây đều khen ngon, ít khi đi mà không trở lại. Những ngày này, các hộ làm nghề bận rộn từ sớm đến khuya, tuy có vất vả hơn ngày thường, nhưng bù lại rất vui, có thêm thu nhập.
Xuân Mậu Tuất 2018, Làng nghề nước mắm truyền thống Cà Ná chộn rộn hơn thường. hơn 300 hộ sản xuất đón nhận niềm vui khi mới đây Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, nâng thương hiệu nước mắm Cà Ná lên tầng cao mới. Đón nhận cơ hội, những ngày này các cơ sở chế biến nước mắm nổi tiếng như Trần Văn Thưởng, Hai Non, Hồng Hương, Hương Miền Trung… đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm mẫu mã đẹp, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Anh Trần Văn Nhi, Chủ cơ sở nước mắm Hương Miền Trung, thổ lộ: Nước nắm là thứ gia vị chế biến nhiều món ăn truyền thống không thể thiếu trong những ngày Tết. Cơ sở của tôi mỗi năm đưa ra thị trường 60.000 lít nước mắm cá cơm. Từ đầu tháng Chạp đến nay khách ghé mua nước mắm rất đông, sản lượng tiêu thụ tăng gấp nhiều lần so với những tháng bình thường.
Về các làng nghề truyền thống trong những ngày cuối năm, chứng kiến bà con hối hả làm việc quên cả thời gian, chuẩn bị đủ số lượng hàng hóa chất lượng cao phục vụ Tết. Một mùa Xuân mới lại về mang niềm vui đến với mọi nhà, báo hiệu một năm làng nghề truyền thống no đủ.
Anh Tùng