Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Kể từ khi tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện các chính sách ưu đãi và đổi mới trong thu hút đầu tư thì hoạt động của cộng đồng DN ngày càng có nhiều khởi sắc cả về phát triển số lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính riêng trong năm 2017 có 430 DN thành lập mới, đạt cao nhất từ trước đến nay, với tổng vốn đăng ký 15.371 tỷ đồng, tăng gấp 8,5 lần so với cùng kỳ. Số DN gia nhập thị trường ở hầu hết các lĩnh vực đều tăng, trong đó một số lĩnh vực có tỷ lệ tăng cao, như: Sản xuất, phân phối điện có 31 DN, tăng gấp 4,4 lần; bán buôn, bán lẻ 118 DN, tăng 53%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 36 DN, tăng 28,5%; công nghiệp chế có 32 DN, tăng 28%; có 47 doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động trong năm 2016, nay đã quay trở lại sản xuất, kinh doanh, điều đó cho thấy hoạt động của DN tỉnh nhà đang có những chuyển biến khá tích cực.
Công ty TNHH May Tiến Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: V.T
Điểm đáng ghi nhận đối với cộng đồng DN tỉnh ta những năm gần đây là tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Trong đó, có một số DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thủy sản đã phát huy năng lực sản xuất mới sau đầu tư, đóng góp đáng kể cho tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh. Năm 2017, các DN đóng góp vào nguồn thu ngân sách trên 1.469 tỷ đồng, chiếm khoảng 65% tổng thu nội địa và giải quyết việc làm cho 24.300 lao động. Đặc biệt, trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, vai trò của DN ngày càng được thể hiện khá rõ, nhất là việc ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân về các sản phẩm đặc thù của tỉnh, như: nho, táo, thịt dê, thịt cừu... Mặt khác, các DN còn tích cực tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức như hỗ trợ tiền mặt, vật liệu xây dựng, để các địa phương có thêm nguồn lực xây dựng các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, thí điểm cánh đồng lớn sản xuất lúa giống... Nhờ đó, tổng giá trị sản phẩm mà khu vực DN đóng góp trong năm 2017 ước đạt 3.412 tỷ đồng, tăng 11% và chiếm khoảng 17% GRDP của tỉnh.
Để tạo điều kiện cho DN phát triển, những năm qua tỉnh ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết hỗ trợ tài chính, tín dụng; hỗ trợ đổi mới, nâng cao năng lực, trình độ kỹ thuật và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho DN. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 2717/CTr-UBND tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhóm giải pháp, nhằm tạo thuận lợi cho DN phát triển. Kết quả, về cải cách hành chính đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký DN còn 2,32 ngày (thời gian quy định 3 ngày); đăng ký kinh doanh qua mạng giảm hơn 1/3 thời gian so với quy định; rút ngày thời gian giải quyết thủ tục hành chính về quyết định chủ trương đầu tư xuống còn 30 ngày, giảm 5 ngày so với quy định…. Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng đưa vào hoạt động Chuyên mục hỏi – đáp trực tuyến, tạo kênh thông tin chính thống để các DN phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc phát sinh, cũng như để lắng nghe các hiến kế trong phát triển kinh tế - xã hội từ các DN và nhà đầu tư. Kết quả, trong năm 2017 đã tiếp nhận và trả lời kịp thời cho 29 trường hợp, tập trung chủ yếu các vướng mắc về đất đai, tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chế độ đối với người lao động.
Đối với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, trong năm qua có 177 DN được tặng phần mềm kế toán, nâng số DN đã được hỗ trợ lên 239 DN, với tổng giá trị 705 triệu đồng, tạo điều kiện cho các DN khởi sự kinh doanh. Để tôn vinh và ghi nhận những đóng góp quan trọng của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong năm 2017, UBND tỉnh đã tổ chức tôn vinh và trao tặng Bằng khen cho 40 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã và 29 doanh nhân tiêu biểu trên các ngành, lĩnh vực và các loại hình DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trong năm 2017 có 1.155 DN đã được các ngân hàng cấp vốn cho vay, với tổng dư nợ 6.350 tỷ đồng, chiếm 59,2% số DN có kê khai nộp thuế, tăng 4,4% số DN và tăng 17,4% dư nợ so với cuối năm 2016 và có 11 hợp tác xã được vay vốn/1.280 triệu đồng. Riêng Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa đang bảo lãnh cho 13 DN vay vốn tại các ngân hàng thương mại, với số tiền 46.499 triệu đồng. Nhờ vậy, sau khi đăng ký thành lập, hầu hết các DN đều hoạt động có hiệu quả và chấp hành tốt các quy định của Luật Doanh nghiệp.
Với mục tiêu đến năm 2020, đưa số DN đăng ký thành lập mới hàng năm tăng bình quân từ 13-15%, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2235/KH-UBND về việc hỗ trợ phát triển DN giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiệm túc các nhóm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Mặt khác, tỉnh đang rà soát đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, xử lý nghiêm các tiêu cực, nhũng nhiễu; tạo lập hệ thống kết nối thông tin giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, để kết nối các thủ tục, rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh cho DN. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các đơn vị, tạo sức hấp dẫn cho giới doanh nhân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN chiếm khoảng 68% -70% trên tổng số thu nội địa; tổng giá trị gia tăng của khu vực DN chiếm từ 28% – 30% trong GRDP của tỉnh và các DN tạo việc làm mới cho khoảng 10% tổng số lao động địa phương. Trước mắt, trong năm 2018 số DN đăng ký thành lập mới tăng 15% so cùng kỳ và đạt trên 3.000 DN.
Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, tỉnh khuyến khích các DN bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp với điều kiện của DN mình. Chấp hành tốt quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động... Ngoài ra, các DN cần có sự liên minh, liên kết và phải xác định được chữ “tín” để xây dựng thương hiệu riêng cho mình, nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, sát với nhu cầu của DN, của tỉnh để nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động của DN, đóng góp ngày càng cao vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Văn Thanh