1. LHQ kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế chi 3,2 tỷ USD để cứu trợ Nam Sudan.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 1-2, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ông Filippo Grandi cho biết gần 7 triệu người dân Nam Sudan đang cần viện trợ khẩn cấp như lương thực, nước và các thuốc men cơ bản do cuộc nội chiến kéo dài tại quốc gia này. Trước tình cảnhh này, ông Filippo Grandi kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ 3,2 tỷ USD để trang trải cho các hoạt động nhân đạo tại Nam Sudan.
Ông Grandi đưa ra phát biểu trên sau khi tới thăm trại tị nạn Kakuma ở miền bắc Kenya, nơi hàng chục nghìn người Nam Sudan tới đây tìm chỗ trú ẩn và ngày nào cũng có thể người mới. Tình trạng bạo lực tại Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới, đang bước sang năm thứ năm và khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Theo thống kê, cứ 3 người Nam Sudan thì có một người phải rời bỏ nhà cửa, với gần 90% số này là phụ nữ và trẻ em.
Liên hợp quốc cho biết, số người tị nạn Nam Sudan có thể vượt quá con số 3 triệu người vào cuối năm nay, trở thành cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất châu Phi kể từ sau thảm họa diệt chủng ở Rwanda năm 1994. Gần 2,5 triệu người dân Nam Sudan đã buộc phải rời bỏ đất nước đi sống tị nạn tại Uganda, Kenya, Sudan, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi. Ngoài ra, còn có hơn 2 triệu người phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất ngay tại đất nước của mình. Rất nhiều trẻ em Nam Sudan có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và nhiều em không được đến trường đồng thời bị các phe phái khác nhau bắt đi lính, trong khi nhiều phụ nữ bị cưỡng hiếp sau khi chồng họ bị sát hại.
2. Nga muốn phát triển quan hệ với Mỹ thay vì các biện pháp trả đũa.
Ngày 30-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nước này muốn phát triển quan hệ với Mỹ thay vì áp đặt các biện pháp đáp trả sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố cái gọi là “Báo cáo Kremlin”, bao gồm danh sách những cá nhân có thể bị áp dụng biện pháp trừng phạt mới của Washington.
Tổng thống Putin nhấn mạnh, việc Bộ Tài chính Mỹ công bố danh sách trên là "một hành động không thân thiện", khiến quan hệ Nga-Mỹ nói riêng và quan hệ quốc tế nói chung trở nên phức tạp. Theo ông Putin, Nga sẵn sàng áp đặt các biện pháp đáp trả, thậm chí các biện pháp này còn nghiêm khắc hơn có thể khiến quan hệ Nga-Mỹ hoàn toàn trở về "con số 0". Tuy nhiên, Nga hiện đang kiềm chế, chưa có ý định áp đặt và tiếp tục theo dõi tình hình. Theo ông Putin, Nga không muốn làm tổn hại quan hệ song phương với Mỹ, cũng không tìm kiếm sự rắc rối và làm trầm trọng thêm quan hệ này. Ông nhấn mạnh, Nga muốn xây dựng mối quan hệ ổn định và lâu dài với Mỹ trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev người bị liệt vào danh sách trên, cho rằng văn kiện này đối với Nga "không có ý nghĩa".
Trước đó, cùng ngày Bộ Tài chính Mỹ đã công bố “Báo cáo Kremlin” bao gồm danh sách những cá nhân có thể bị áp dụng biện pháp trừng phạt mới của Washington. Danh sách bao gồm 210 cá nhân, trong đó có 114 chính trị gia và 96 doanh nhân. Đáng nói là báo cáo gồm tất cả thành viên Chính phủ Nga, đứng đầu là Thủ tướng Dmitry Medvedev, 9 Phó Thủ tướng, 22 Bộ trưởng và 96 doanh nhân bị đưa vào danh sách.Lưu ra file
3. Giới đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường dầu mỏ.
Các quỹ dự phòng tiếp tục gia tăng hoạt động đầu tư vào giao dịch dầu mỏ, ngay cả khi giá mặt hàng này đã chạm mức cao nhất kể từ giai đoạn rớt giá trầm trọng bắt đầu vào năm 2014.
Các quỹ dự phòng và nhà quản lý quỹ khác đã gia tăng lượng mua vào khi thấy giá thấp rồi bán ra giá cao (long position) đối với sáu loại hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn quan trọng nhất liên quan đến dầu mỏ thêm 44 triệu thùng và đạt mức kỷ lục 1.484 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23-1.
Các quỹ dự phòng hơn lúc nào hết tỏ ra lạc quan về triển vọng của dầu mỏ, giữa lúc giá dầu Brent đã tăng gần ba lần trong hai năm qua.
Nhu cầu tiêu thụ dầu đang tăng nhanh do tình hình tăng trưởng khá đồng đều ở các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt khác đã nhắc lại cam kết đối với thỏa thuận kiềm chế nguồn cung của họ. Ngoài ra, lượng dầu trong các kho dự trữ trên toàn cầu đang đi xuống.
Giá dầu Brent đang ở quanh mức trung bình của 10 năm (82 USD/thùng) và đã vượt mức trung bình của chu kỳ từ năm 1998 đến năm 2016 (64 USD/thùng). Hiện tại loại dầu này được giao dịch ở mức khoảng 69 USD/thùng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những rủi ro đối với giá dầu, bao gồm sự gia tăng hoạt động khai thác dầu đá phiến ở Mỹ, việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC, sự gia tăng sản lượng dầu từ các nguồn không phải dầu đá phiến tại các nước ngoài OPEC, hoặc nhu cầu đi xuống do giá tăng cao.
Một số rủi ro khác lại nảy sinh từ chính thị trường. Chẳng hạn giá dầu càng tăng thì các nhà quản lý quỹ dự phòng càng muốn sớm kiếm lời bằng cách bán ra một phần trong những khoản long position của họ.
C.Đ