1. Trong nước:
- Ngày 27-1-1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô.
Bức thư có đoạn viết: “Các em là đội quyết tử. Các em quyết tử để Tổ Quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”.
Dù chỉ có những vũ khí thô sơ nhưng các cảm tử quân vẫn kiên cường bám từng góc phố, căn nhà chống trả, tấn công địch. Nhiều người ôm bom ba càng, quyết cảm tử đâm thẳng vào xe tăng địch, anh dũng hy sinh.
- Ngày 27-1-1973: Ký Hiệp định Paris về Việt Nam
Cách đây 44 năm, tại Paris, Hiệp định Paris về chấm chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam, đã được ký kết.
Hiệp định đã buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Hiệp định Paris được ký kết là kết quả một quá trình vận động lâu dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng là thành quả trực tiếp của Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12-1972) và trở thành tiền đề cho một bước ngoặt trọng đại của dân tộc là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
- Ngày 27-1-1994: Thượng viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết hủy bỏ cấm vận đối với Việt Nam.
Nghị quyết có hiệu lực ngày 3-2-1994, đặt nền móng cho việc hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 12-7-1995.
Sau hơn 20 năm bình thường hóa, quan hệ hợp tác Việt Nam-Mỹ ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả và ổn định. Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai chiều tăng liên tục trong những năm gần đây, hiện ở mức 52 tỷ USD. Không chỉ giao thương hàng hóa được mở rộng, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng đáng kể. Tính đến cuối tháng 10-2017, tổng vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
2. Thế giới:
- Ngày 27-1-1880: Thomas Edison được cấp bằng sáng chế về việc phát minh ra bóng đèn điện.
Thomas Edison bắt đầu nghiên cứu về bóng đèn điện từ tháng 3 năm 1878. Hàng ngàn cuộc thử nghiệm, nghiên cứu diễn ra bền bỉ đến tận tháng 10 năm 1879, chiếc bóng đèn điện đầu tiên của nhân loại đã ra đời, chiếu sáng đến tận 40 giờ liên tục.
Tạo ra bóng đèn điện chỉ là một trong hơn 1 nghìn phát minh đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ, Anh, Pháp và Đức đứng tên Thomas Edison.
Cùng với máy hát, máy chiếu phim, bóng đèn điện là ba sáng chế vĩ đại làm thay đổi cục diện lịch sử và cuộc sống của nhân loại. Lòng tận tụy đối với nhân loại của Thomas Edison đã được thực hiện đúng theo câu nói bất hủ của ông: “Tổ quốc của tôi là thế giới và tôn giáo của tôi là làm việc thiện”.
Theo TTXVN