Với mục tiêu tạo sự đột phá trong công tác giảm nghèo, các chương trình, dự án, các giải pháp, chính sách an sinh xã hội đã được đổi mới cách tiếp cận và mở rộng độ bao phủ, huy động được nhiều nguồn lực. Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội cho biết: Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương cũng đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, tập trung giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm ở các hộ thiếu hụt các chiều tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; vận động xã hội giúp tạo việc làm, thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới. Công tác xã hội hóa, việc tham gia công tác giảm nghèo ở địa phương được quan tâm thực hiện, nhất là việc huy động các doanh nghiệp hỗ trợ các chương trình về nhà ở, hỗ trợ bò sinh sản… Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chương trình giảm nghèo nên qua rà soát, hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2017 còn 17.284 hộ, chiếm 10,36%, giảm 2,18% so với đầu năm 2017, vượt chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh; hộ cận nghèo còn 16.698 hộ, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Tập đoàn VinGroup trao bò giống cho các
hộ dân xã Phước Hà (Thuận Nam). Ảnh: T.Mạnh
Một trong những chính sách tiếp tục được ưu tiên trong công tác giảm nghèo đó là hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo. Doanh số cho vay hộ nghèo trong năm đạt trên 90 tỷ đồng với 3.639 hộ nghèo vay vốn; doanh số cho vay hộ cận nghèo đạt 116,5 tỷ đồng với 4.785 hộ vay vốn. Vốn vay ưu đãi trong những năm qua đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, hầu hết hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, buôn bán nhỏ… tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống. Ngoài các chương trình tín dụng ưu đãi đã được Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển về kinh tế thì các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đảm bảo về an sinh xã hội cũng đã được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện như cho vay học sinh, sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở... Trong năm, tổng kinh phí đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt trên 47,5 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn trên, đã tập trung hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, hỗ trợ đời sống trên địa bàn huyện nghèo, xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, như: giao thông liên xã, nông thôn; hệ thống kênh mương nội đồng và các công trình thủy lợi, hạ tầng giáo dục, y tế... Ngoài ra, tỉnh ta còn đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, vận động và thu hút các nguồn vốn ODA, NGO đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giải quyết việc làm, tăng cường và nâng cao năng lực sản xuất, hỗ trợ thực hiện xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhằm tăng cường năng lực cho người dân trong phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ trình các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ thực hiện một số dự án mới có liên quan vùng đồng bào dân tộc miền núi như: Dự án Giảm nghèo thích ứng biến đổi khí hậu do IFAD tài trợ; Dự án Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu do ADB tài trợ.
Từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất
nông nghiệp ở những vùng khó khăn trên địa bàn huyện Thuận Bắc. Ảnh: H.L
Đặc biệt, qua một năm triển khai thực hiện kế hoạch đột phá giảm nghèo nhanh và bền vững cho 2 xã Phước Đại và Phước Chính (Bác Ái), tỷ lệ giảm nghèo của 2 xã đạt được nhiều kết quả tích cực (xã Phước Đại giảm 6,13%, xã Phước Chính giảm 6,29% ); kinh tế- xã hội có nhiều chuyển biến, đời sống nhân dân địa phương từng bước được nâng lên. Ngoài ra, với các chính sách về nhà ở; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo; người dân tộc thiểu số sống vùng khó khăn và người sống vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Song song đó, tỉnh ta cũng chú trọng việc xây dựng các mô hình giảm nghèo và đã mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó đã thực hiện 6 mô hình trình diễn chủ yếu tập trung vào những cây, con giống thế mạnh tại địa phương. Tiếp tục triển khai 10 mô hình chăn nuôi bò sinh sản vùng khô hạn, đối tượng là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số miền núi với 314 hộ tham gia. Các mô hình giảm nghèo góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập của các hộ tham gia dự án và có một số vốn khi dự án kết thúc để hộ nghèo thoát nghèo bền vững và nhân rộng mô hình đặc thù trên toàn tỉnh.
Đào tạo nghề May công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.
Đồng chí Hà Anh Quang cho biết thêm: Với mục tiêu “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chương trình, dự án nhằm đảm bảo giảm nghèo bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5%/năm và giảm 4% đối với huyện nghèo, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung vào các mô hình có tính mới và khả năng nhân rộng cao; đồng thời tiếp tục triển khai lồng ghép các nguồn lực địa phương tham gia vào chương trình, đẩy mạnh công tác thông tin, báo cáo nhằm đánh giá và kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.
Thế Quang