Đón Tết xa nhà

(NTO) Tết Cổ truyền dân tộc từ lâu đã trở nên ý nghĩa và thiêng liêng đối với mỗi người con đất Việt. Với những người xa quê, Tết là lúc họ mong ngóng nhất để về với gia đình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như công việc, xa xôi, vì không có điều kiện mà đâu đó vẫn còn nhiều người phải đón Tết ở nơi đất khách, quê người và nỗi nhớ quê hương, nhớ hương vị ngày Tết lại càng da diết, đong đầy, bởi trong câu chuyện đón Tết của họ luôn chất chứa những nỗi niềm mà chỉ người xa quê mới thấu hiểu.

Những ngày cuối năm đang đến gần, khi không khí Xuân đang ngập tràn khắp đường làng, ngõ phố, đâu đâu cũng vang lên những ca khúc chào Xuân, cũng là lúc một số con đường, địa điểm công cộng trên địa bàn tỉnh ta đang bắt đầu “thay áo” để chuẩn bị đón Tết, những chậu mai vàng rực, quất cảnh sum suê trái và hoa đủ màu chen nhau khoe sắc... khiến nhiều người xa nhà bỗng chộn rộn không khí Tết quê. “Tết này có về quê không”? Đó là những câu hỏi từ quê nhà, từ bạn bè trong những ngày cuối năm làm bao người con xa nhà đau đáu lòng.

Đang tranh thủ xuống phố mua sắm ít thứ chuẩn bị trang trí Tết, chúng tôi không khó để nhận ra anh Nguyễn Văn Sơn không phải là người con của mảnh đất này, bởi chất giọng riêng của anh. Thật vậy, anh Sơn quê ở Thanh Hóa, anh đang mua ít quà Tết gửi về quê cho bố, mẹ. Anh Sơn hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, dù không quá khó khăn về kinh tế, nhưng nhiều năm nay anh vẫn không thể về quê đón Tết vì phải trực Tết ở bệnh viện. Anh Sơn chia sẻ: Anh vào Ninh Thuận tính đến nay đã được 6 năm, ngần ấy thời gian anh chưa được về quê đón Tết cùng gia đình. Với anh Sơn, khoảnh khắc đón giao thừa và sáng Mùng 1 Tết làm anh thấy buồn nhất, vì khoảng thời gian ấy anh thấy “thèm” cảm giác được quây quần bên gia đình, cùng nhau đón mừng năm mới và gửi cho nhau những câu chúc an lành. Giờ đây anh Sơn đã có gia đình, vợ chồng anh cũng cố gắng đón Tết giống như quê nhà. Rồi tranh thủ những kỷ nghỉ về thăm ông, bà ở quê cho các con biết quê hương của mình.

Cũng giống như anh Sơn, đằng sau những gương mặt dày dạn gió sương là nỗi niềm của những người con, người anh, người em không được tề tựu cùng gia đình bên nồi bánh chưng ngày Tết. Các anh đã thầm lặng hy sinh hạnh phúc cá nhân để bảo vệ an toàn cho nhân dân được yên vui đón Tết. Nhớ như in về lần đón giao thừa năm ngoái tại đơn vị, chiến sỹ Nguyễn Kim Tuấn, quê ở Đắk Nông, hiện đang công tác tại Công an huyện Ninh Phước, cho biết: Cảm giác lúc đó khó tả lắm, vì đây là lần đầu tiên mình đón giao thừa ở một nơi xa lạ như vậy. Mình cảm thấy rất buồn khi nghĩ đến những năm trước được đón giao thừa với gia đình và bạn bè. Dù ở cơ quan mình và đồng đội cũng tổ chức đón giao thừa song cảm giác nhớ nhà vẫn hết sức da diết. Dù buồn, nhưng gia đình và bản thân mình rất tự hào khi được cống hiến sức trẻ cho đất nước. Bây giờ, có thể nói Ninh Thuận đã trở thành quê hương thứ hai của mình.

Chẳng riêng gì câu chuyện của anh Sơn hay anh Tuấn, vẫn còn biết bao người con xa quê đang miệt mài lao động, sáng tạo góp sức cho sự phát triển của vùng đất “đầy nắng, đầy gió” này. Một mùa xuân mới lại về, chúc mọi người sớm được đoàn viên bên gia đình.