Tiêu biểu là chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị quyết số 08/2015/NQ-HĐND, ngày 20-7-2015 của HĐND tỉnh. Từ việc khai thông cơ chế, chính sách, đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Đặc biệt là định hướng công tác phát triển các sản phẩm đặc thù đạt được nhiều kết quả. Thông qua hoạt động hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đến nay trên toàn tỉnh có 18 đặc sản được bảo hộ dưới các hình thức: Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể.
Sau khi được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, giá trị sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận tăng.
Để phát triển giá trị các sản phẩm đặc thù sau khi được bảo hộ, Sở KH&CN đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai một cách toàn diện, đa dạng cả về hình thức lẫn nội dung, mang lại hiệu ứng tích cực. Trong 2 năm 2016 và 2017, Sở KH&CN tổ chức 30 lớp tập huấn hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu dành cho các doanh nghiệp và kỹ năng quản lý thực thi trong SHTT. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã sản phẩm cũng được tăng cường, với tổng kinh phí gần 4,8 tỷ đồng.
Có thể nói, công tác phát triển các sản phẩm đặc thù đang được ngành chức năng, các địa phương triển khai một cánh toàn diện, không chỉ dừng lại ở điểm khởi đầu là bảo hộ SHTT, mà còn hướng đến chiều sâu hơn kể cả việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi khép kín. Đối với thực hiện dự án, đáng kể nhất là huy động được nguồn lực của các ngành, doanh nghiệp để xây dựng 3 mô hình điểm về kinh doanh và giới thiệu các sản phẩm đặc thù phục vụ khách du lịch. Công tác hướng dẫn doanh nghiệp đặt hàng triển khai các dự án nghiên cứu thực nghiệm sản xuất đa dạng các sản phẩm đặc thù cũng được đẩy mạnh. Đến nay, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh đặt hàng 4 nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng đối với 4 sản phẩm nông nghiệp, gồm: Ứng dụng kỹ thuật thâm canh măng tây xanh theo hướng công nghệ cao; Nghiên cứu sản xuất nho ứng dụng công nghệ cao; Tuyển chọn và phục tráng tỏi Phan Rang; Nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm thực phẩm từ cừu Ninh Thuận, tổng kinh phí 5 tỷ đồng. Riêng hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm đặc thù, đã hỗ trợ 52 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ kết nối “cung-cầu”, qua đó ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đặc thù của tỉnh với khối lượng lớn.
Nỗ lực thực hiện công tác quản lý, phát triển các sản phẩm đặc thù của ngành chức năng, các địa phương thời gian qua đạt được kết quả nhất định, một số mặt hàng nông sản, như: Tôm giống Ninh Thuận, cừu Ninh Thuận, nước mắm Cà Ná, nho… bước đầu khẳng định được chất lượng, thương hiệu, được nhiều người tiêu dùng trên cả nước biết đến. Tuy vậy, việc khai thác giá trị sản phẩm đặc thù vẫn còn gặp những khó khăn nhất định: Các mặt hàng hầu hết được sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, quy trình canh tác dựa vào kinh nghiệm là chính, việc ứng dụng tiến bộ KH&CN còn hạn chế, dẫn đến sản phẩm thiếu tính ổn định, không đủ cung cấp liên tục, thường xuyên cho thị trường. Đồng chí Phạm Thanh Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Chuyên ngành (Sở KH&CN), cho biết: Để khai thác triệt để giá trị các sản phẩm đã được bảo hộ, việc nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển tài sản trí tuệ là giải pháp quan trọng. Thời gian tới, đơn vị phối hợp với ngành chức năng, các địa phương tập trung rà soát, phân tích, đánh giá, lựa chọn một số cây trồng, vật nuôi lợi thế đầu tư KH&CN đồng bộ từ khâu sản xuất đến xúc tiến thương mại để phát triển thành sản phẩm thế mạnh của tỉnh.
Anh Tùng