Theo đó, đối với các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động; cơ quan tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (gọi chung là doanh nghiệp):
Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN bao gồm: mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại Khoản 1 và Điểm a, Khoản 2, Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16-11-2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12-1-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.
a. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường trong các doanh nghiệp thì tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 3.090.000 đồng/tháng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải, huyện Thuận Bắc (địa bàn thuộc vùng III) và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 2.760.000 đồng/tháng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Phước, Thuận Nam (địa bàn thuộc vùng IV).
b. Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) thì tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng quy định nêu trên.
c. Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ngoài cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện bình thường.
d. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
Trường hợp mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTNLĐ-BNN của người lao động cao hơn 20 tháng lương cơ sở, thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHYT, BHTNLĐ-BNN bằng 20 tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
B.H