Ngày 21-12-2017, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 2709/SLĐTBXH-LĐVL gửi đến các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận về việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2018. Công văn nêu rõ, ngày 7-12-2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động như sau:
- Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng (tăng 230.000 đồng so với năm 2017).
- Vùng II: 3.530.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng so với năm 2017).
- Vùng III: 3.090.000 đồng/tháng (tăng 190.000 đồng so với năm 2017).
- Vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng so với năm 2017).
Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng III là 3.090.000 đồng/tháng. Các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn còn lại trong tỉnh áp dụng mức lương tối thiểu vùng IV là 2.760.000 đồng/tháng.
Đối tượng áp dụng: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định này).
Phương pháp áp dụng: Mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời gian làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm. Trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đơn giản nhất. Trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.
Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, đơn vị, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật đối với các chức danh ngành nghề được quy định nặng nhọc , độc hại, nguy hiểm và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng… do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
Nghị định số 141/2017/NĐ-CP ngày 7-12-2017 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25-1-2018. Các quy định của Nghị định này được thực hiện từ ngày 1-1-2018.
ĐH