Nhật ký Hải trình “Trường Sa thân yêu”

Chỗ dựa vững chắc của ngư dân trên đảo Đá Tây

(NTO) Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến với đảo Đá Tây vào một ngày biển động do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường. Xuống xuồng nhỏ sóng phủ ướt đầm, nhưng thật ấm áp, hân hoan khi chúng tôi được đặt chân lên đảo Đá Tây. Điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi đó là tại đảo Đá Tây có âu tàu rộng, tàu bè ngư dân vẫn tấp nập vào ra tiếp nhận dầu, thực phẩm, nước đá tại Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo. Ngư dân coi đây là một chỗ dựa vững chắc để đi khai thác xa bờ, nhất là mùa giông bão có chỗ tránh trú và trao đổi dịch vụ hậu cần nghề cá.

Ngư dân đánh bắt trên vùng biển Trường Sa vào sử dụng dịch vụ tại Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây.

Đảo Đá Tây nằm trên bãi đá ngầm san hô có diện tích khá lớn, dài khoảng 7 hải lý, rộng 4 hải lý, được hình thành bởi hoạt động của một dãy núi lửa ngầm dưới đáy biển từ hàng triệu năm trước. Do được hình thành từ kiến tạo của dãy núi lửa dưới đáy biển nên cấu tạo của các dải san hô thường trải dài, có vành đai, phía ngoài cao, ở giữa lõm xuống tạo thành hồ có độ sâu từ vài chục đến hàng trăm mét. Các hồ này trở thành nơi trú ẩn tự nhiên rất an toàn và thuận lợi cho các tàu bè khi gặp bão. Tận dụng lợi thế đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư xây dựng một cụm dịch vụ kinh tế ở phía Đông của đảo, trong đó có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá. Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây thuộc Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, sửa chữa, cứu hộ tàu thuyền gặp nạn, sơ cấp cứu cho ngư dân bị tai nạn khi khai thác hải sản thuộc vùng biển Trường Sa. Trung tâm được xây dựng với diện tích 3.000 m2 trên nền đảo chìm san hô, có sức chứa khoảng 200 tàu thuyền. Xưởng cơ khí hàn tiện đáp ứng nhu cầu sửa chữa tàu thuyền của ngư dân. Trung tâm còn có trang thiết bị cứu sinh, thông tin liên lạc, có bồn chứa nhiên liệu, bồn chứa nước ngọt cấp nước ngọt miễn phí cho ngư dân hoạt động trên biển. Tại đây còn thu mua hải sản cho nhân dân, tạo điều kiện để bà con bám biển dài ngày, giảm chi phí, tăng thu nhập cho mỗi chuyến ra khơi. Theo Ban quản lý Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, hiện nay Trung tâm có 10 tàu dịch vụ, 1 bonton (thùng nổi) di chuyển nhờ tàu kéo dùng để chứa dầu. Trong năm 2017, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đã cung cấp 1.070 m3 nước ngọt, 275 m3 dầu, 23 tấn lương thực, thực phẩm, 25.000 cây nước đá và sửa chữa 26 tàu cho ngư dân. Ngoài ra còn chở một số ngư dân gặp nạn trong quá trình đánh bắt trên biển đi cứu chữa tại một số bệnh xá trên đảo Trường Sa. Ông Hồ Mạnh Tưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho biết: Những năm gần đây ngoài hoạt động tại đảo Đá Tây, Trung tâm còn mở rộng hoạt động hậu cần di động khắp vùng biển Trường Sa. Cụ thể, Trung tâm đã đưa tàu lớn chở nhiên liệu và hàng hóa đến các đảo khác thường có nhiều tàu cá của ngư dân neo đậu, trực tiếp cung ứng các dịch vụ hậu cần. Ngoài mục đích cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây còn là nơi trú ẩn an toàn của ngư dân khi có sự cố xảy ra vào mùa mưa bão, biển động. Trong cơn bão số 16 vào cuối năm 2017 đã có 21 tàu thuyền và hơn 250 ngư dân vào tá túc và trú bão tại âu tàu của Trung tâm.

Theo ngư dân, hoạt động của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đã giúp cho họ tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian đi lại, tăng thời gian bám biển để khai thác ngư trường biển xa. Ngư dân Nguyễn Quốc Thanh, chủ tàu BD 96556 TS ở Hoài Nhơn, Bình Định cho biết: Tôi đã từng vào đây tránh trú bão và sử dụng dịch vụ hậu cần của Trung tâm, đây là một điểm tránh trú bão rất an toàn khi đang khai thác dài ngày trên biển chẳng may gặp bão gió. Trung tâm có dịch vụ khá phong phú, từ cung cấp nước ngọt miễn phí, đá lạnh ướp cá, dầu chạy máy với giá cả rất phải chăng, bằng giá ở đất liền. Hiện nay, tôi vừa tiếp nhận 1.000 lít dầu có thể dùng được từ 3-5 ngày trong quá trình khai thác trên biển. Nếu không có Trung tâm này thì tôi phải điện tàu từ trong bờ chạy ra tiếp dầu, như vậy sẽ rất khó khăn do đi quá xa, lại ở giữa biển mênh mông rất khó tiếp cận và không chủ động. Còn ở đây mình đã biết chỗ và được tạo điều kiện thuận lợi nên rất tin tưởng và an tâm.

Theo quy hoạch, tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 sẽ có sáu khu neo đậu kết hợp cảng cá tại các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Phan Vinh, Đá Tây và Nam Yết. Trước hết sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần tại các đảo, sau đó là cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tại duyên hải Nam Trung Bộ nhằm giúp cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, hậu thuẫn cho hiện đại hóa việc khai thác hải sản. Có thể nói, sự ra đời của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá tại các đảo của huyện đảo Trường Sa đã củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và là điểm tựa vững chắc của ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày.